Người Trong Giang Hồ

Truyện Linh Tinh

Hỏa Vũ Diệu Dương

Chính Truyện

Ngoại Truyện

CHƯƠNG 8: CHIẾN TRANH TIỀN TỆ - KHÔNG TUYÊN MÀ CHIẾN

Chúng tôi giống như một bầy sói đứng trên sườn núi cao trông xuống bầy nai tơ gần đó. Nếu so sánh nền kinh tế Thái Lan với dáng dấp của một con hổ nhỏ của châu Á thì chẳng bằng so với một con thú săn đã bị thương. Chúng tôi chọn con thú đã bị thương, là để bảo vệ cho cả bầy nai được an toàn và mạnh khỏe.
G. Soros trả lời phỏng vấn tạp chí Times, năm 1997

Như mọi người đều biết, kẻ nào lũng đoạn được nguồn cung ứng của một loại hàng hóa nào đó thì người đó có thể kiếm được lợi nhuận siêu cấp. Mà tiền tệ là một loại hàng hóa cần thiết cho mọi người, kẻ nào lũng đoạn được việc phát hành tiền tệ của một quốc gia, người đó có thể kiếm được khoản lợi nhuận không giới hạn. Đây chính là nguyên nhân tại sao trong suốt mấy trăm năm nay, các nhà ngân hàng quốc tế phải vắt cạn tâm lực, tìm trăm phương ngàn kế, không từ bất cứ thủ đoạn nào để lũng đoạn bằng được quyền phát hành tiền tệ của một quốc gia. Hơn thế nữa, họ còn muốn lũng đoạn quyền phát hành tiền tệ của toàn thế giới.
Để đạt được mục tiêu này, vào đầu thập niên 70 của thế kỷ 20, các nhà tài phiệt ngân hàng quốc tế đã phát động hàng loạt cuộc chiến tranh tiền tệ nhằm củng cố lòng tin vào đồng đô-la Mỹ, chia cắt nền kinh tế của các quốc gia đang phát triển, đồng thời đánh bạt những đối thủ cạnh tranh tiềm tàng, hướng tới việc xây dựng nền tảng vững chắc cho một “chính phủ thế giới”, “tiền tệ thế giới” và “thu thuế thế giới” dưới sự kiểm soát của trục London - phố Wall.
Mục đích chiến lược của các cuộc chiến này chính là làm thế nào để nền kinh tế thế giới phải được “giải thể một cách có kiểm soát”.
Xin hãy lưu ý rằng, các nhà tài phiệt ngân hàng quốc tế là một “tập đoàn lợi ích đặc thù siêu cấp”. Họ không trung thành với bất cứ quốc gia và chính phủ nào mà trái lại còn là lực lượng khống chế quốc gia và chính phủ. Trong những giai đoạn lịch sử nhất định, họ đã lợi dụng sức mạnh của cả đồng đô-la lẫn nước Mỹ, nhưng một khi đã chuẩn bị chu đáo, họ có thể tấn công đồng đô-la Mỹ bất cứ khi nào họ muốn và trở thành một trong những tác nhân gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế siêu cấp năm 1929 trên phạm vi thế giới. Họ muốn tận dụng tầm ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nghiêm trọng này để sai khiến và uy hiếp chính phủ các nước từ bỏ chủ quyền thi hành chính sách tiền tệ khu vực.
Việc tấn công hệ thống tài chính Trung Quốc được xác định là nhiệm vụ nặng nề trong số các nhiệm vụ của họ. Đó chắc chắn không còn là vấn đề sẽ xảy ra hay không, mà là vấn đề khi nào và bằng cách nào. Chiến thuật mà họ lựa chọn cho việc tấn công hệ thống tài chính Trung Quốc có thể giống với chiến thuật sử dụng trong cuộc tấn công Nhật Bản. Trước tiên, họ sẽ tạo nên hiện tượng bong bóng siêu cấp trong nền kinh tế Trung Quốc.
Với sự “hỗ trợ” của họ, nền kinh tế Trung Quốc sẽ có thời kỳ phồn vinh cực thịnh trong mấy năm, giống như ở Nhật Bản thời kỳ từ năm 1985 đến năm 1990. Sau đó, họ sẽ ra tay triệt hạ, thực hiện đòn tấn công tài chính, phá huỷ niềm tin của thế giới đối với nền kinh tế Trung Quốc, khiến cho nguồn vốn quốc tế và quốc nội bị đe dọa phải di chuyển tứ tán.
Cuối cùng, họ thu mua tài sản chính yếu của Trung Quốc với giá siêu rẻ, đồng thời tiến hành “giải thể triệt để” nền kinh tế Trung Quốc, hoàn thành bước khó khăn nhất trong quá trình thông nhất thế giới.




1. Cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1973: Cuộc phản công của đồng đô-la Mỹ
Thực ra, không phải ngẫu nhiên mà cuộc chiến tranh Trung Đông lần thứ tư nổ ra vào ngày 6 tháng 10 năm 1973.
Tại cuộc họp thường niên của câu lạc bộ Bilderberg vào tháng 5-1973, 84 đại gia ngân hàng quốc tế, trùm các công ty đa quốc gia và các chính khách đã tập trung lại để tìm cách ứng phó với xu hướng suy yếu của đồng đô-la Mỹ khi mất đi sự bảo trợ của vàng, một vấn đề đang khiến người ta phải đau đầu. D. Rockefeller đã dẫn theo Zbigniew Brzezinski một tham mưu tâm phúc của mình - đến dự họp. Cuộc thảo luận đi đến kết luận rằng, cần phải chấn hưng niềm tin vào đồng đô-la Mỹ, đoạt lại quyền chủ đạo trên chiến trường tài chính vốn đã và đang trở nên mất kiểm soát.
Các nhà tài phiệt ngân hàng quốc tế đã đề ra một kế hoạch đáng sợ - đẩy giá dầu thế giới tăng lên 400%(2)!
Kế hoạch táo bạo này nhằm đạt được mấy mục đích sau:
Một mặt, do việc thanh toán trong các giao dịch buôn bán dầu lửa trên thế giới thường được thể hiện bằng đồng đô la Mỹ nên khi giá dầu tăng lên gấp 4 lần, nhu cầu sử dụng đồng đô-la Mỹ của các nước trên thế giới sẽ tăng lên cấp kỳ, vì thế, thái độ coi rẻ đồng đô-la Mỹ của các nước sau khi đồng tiền này mất đi sự bảo trợ của vàng, cũng sẽ giảm xuống. Mặt khác, vài năm trước, do các “sát thủ kinh tế” đã thực thi một cách xuất sắc nhiệm vụ của mình, nên rất nhiều quốc gia ở châu Mỹ Latin và Đông Nam A đã trúng phải viên đạn bọc đường khi mắc nợ quá mức. Một khi giá dầu tăng mạnh thì chính phủ Mỹ sẽ thuận đà nâng lãi suất lên cao, và các quốc gia có nền kinh tế lạc hậu nhưng giàu tài nguyên này sẽ trở thành một bầy cừu non béo núc đợi chờ ngày giết thịt.
Điểm đặc sắc nhất của kế hoạch này chính là trò “ngậm máu phun người”. Xúi giục Ai Cập và Sirya tấn công vào Israel, nhưng nước Mỹ lại công khai ủng hộ Israel để chọc giận người Iraq. Cuối cùng, nước Mỹ đã khiến cho Iraq cũng như các quốc gia A-rập nổi giận. Với việc ban bố lệnh cấm vận dầu mỏ với phương Tây khiến cho giá dầu tăng đột biến, Iraq nói riêng và các quốc gia A-rập nói chung trở thành trung tâm hứng chịu mọi cơn cuồng nộ của thế giới. Các nhà ngân hàng quốc tế một mặt ngồi xem các con hổ cắn xé nhau, mặt khác kiểm soát dòng đô-la hồi lưu từ dầu mỏ. Đúng là nhất cử lưỡng tiện, họ vừa cứu được thế mất giá của đồng đô-la Mỹ, đoạt lại được quyền chủ động trên mặt trận tài chính, vừa thuận tay xén sạch lông bầy cừu của các quốc gia Mỹ Latinh và Indonesia. Kế sách này quả thực là thần diệu hết sức.
Nếu nghiên cứu kỹ những chiêu ra tay của các nhà ngân hàng quốc tế trong lịch sử, chúng ta có thể thấy rằng, trước sau họ vẫn tuân thủ cách tính toán tối ưu, mỗi một hành động chiến lược chính yếu đều đồng thời đạt từ ba mục tiêu trở lên theo kiểu “một hòn sỏi ném chết ba con nhạn”. Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng, các nhà ngân hàng quốc tế chính là những cao thủ biết sử dụng đường quyền tổng hợp.
Với sự hợp tác toàn lực từ hai vị cố vấn Brzezinski và Kissinger, việc phát triển nước cờ thâu tóm nền tài chính quốc tế hoàn toàn trong trong tầm dự liệu của nhà ngân hàng quốc tế Brzezinski vạch kế hoạch, còn Kissinger đóng vai trò là “sa hoàng” tình báo của chính phủ Nixon, trực tiếp tham gia thi hành kế hoạch. Trong tác phẩm có tên “Cuộc chiến tranh thế kỷ”, William Engdahl đã chỉ ra một cách sắc bén rằng:
Kissinger cố gắng trì hoãn mọi nguồn tin tình báo từ khu vực Trung Đông về Mỹ, bao gồm cả sự xác nhận của tình báo Mỹ về việc các nước A-rập đang chuẩn bị cho cuộc chiến tranh. Thái độ của Washington trong thời kỳ chiến tranh và các chuyến “ngoại giao con thoi“ nổi tiếng của Kissinger thời hậu chiến đều chứng minh rằng, họ đã chấp hành một cách chính xác đường lối của câu lạc bộ Bilderberg tại hội nghị tháng Năm. Iraq - quốc gia sản xuất dầu mỏ - trở thành trung tâm hứng chịu búa rìu dư luận, trong khi liên minh Anh-Mỹ lại đường hoàng hưởng lợi từ việc này.
Dưới sự dụ dỗ và khống chế của Kissinger, A-rập Saudi là quốc gia thành viên của Tổ chức dầu lửa (OPEC) đầu tiên hợp tác với Mỹ trong việc dùng đồng đô-la thu được từ việc bán dầu mỏ để mua công trái Mỹ. Như vậy, đồng đô-la Mỹ cuối cùng cũng đã thực hiện xong sứ mệnh hồi hương. Nhưng sau đó, Kissinger ngay lập tức qua ải chém tướng. Đến năm 1975, Hội nghị Bộ trưởng các nước OPEC đồng ý chỉ dùng đồng đô-la Mỹ để kết toán trong các giao dịch dầu mỏ, mở ra một thời kỳ hưng thịnh cho hệ thống tiền tệ thế giới - thời kỳ đồng tiền thế giới bắt đầu áp dụng chế độ “bản vị dầu”.
Giá dầu mỏ tăng đột biến đã khiến cho nhu cầu sử dụng đồng đô-la Mỹ kết toán trong giao dịch dầu mỏ cũng tăng lên, nhờ đó đồng đô-la Mỹ nhanh chóng lấy lại được vị thế của nó trên thị trường quốc tế.
Từ năm 1949 đến 1970, giá dầu mỏ thế giới luôn ổn định ở mức giá 1,9 đô-la/thùng. Từ năm 1970 đến năm 1973, giá dầu tăng lên 3 đô-la/thùng. Sau khi cuộc chiến tranh Trung Đông bùng nổ vào ngày 16 tháng 10 năm 1973, OPEC đã đẩy giá dầu thêm 70%, đạt mức 5,11 đô-la/thùng.
Ngày 1 tháng 1 năm 1974, giá dầu lại tăng lên gấp đôi, đạt mức 11,65 đô-la/thùng. Như vậy, giá dầu mỏ từ trước hội nghị Bilderberg năm 1973 cho đến tháng Giêng năm 1974 quả nhiên đã tăng gần 400%.
Năm 1974, do không nắm được tình hình, tổng thống Nixon đã lệnh cho Bộ tài chính Mỹ gia tăng áp lực lên OPEC, khiến cho giá dầu giảm xuống. Trong bản ghi nhớ, sau khi biết được nội tình của vụ việc, một quan chức chính phủ đã viết rằng: “các đại gia ngân hàng đã phớt lờ chỉ thị này của Nixon và nhấn mạnh việc áp dụng sách lược “hồi lưu đô-la dầu mỏ“ nhằm đối phó với giá dầu cao. Đây là một quyết định mang tính sống còn”.
Theo đà tăng giá của dầu mỏ, nạn lạm phát tiền tệ với hai con số đã bùng phát ở các nước, nguồn tích luỹ của người dân bị tước đoạt. Và điều đáng tiếc là các quốc gia đang phát triển không hề có chút đề phòng nào đối với thảm họa này.
Engdahl giải thích rằng:
Việc giá dầu thế giới tăng đột ngột đến 400% đã gây nên chấn động rất lớn đối với những nền kinh tế lấy dầu mỏ làm nguồn năng lượng chủ yếu. Đại đa số các nền kinh tế thiếu nguồn dầu mỏ đều bất ngờ và khó có khả năng chi trả khi giá dầu cao ngất ngưởng như vậy, chưa kể đến một nguy cơ tiềm ẩn là giá thành của các sản phẩm nông nghiệp phụ thuộc nguồn năng lượng dầu mỏ cũng theo đó mà tăng cao.
Năm 1973, thương mại của Ấn Độ đạt mức xuất siêu, trở thành nền kinh tế phát triển vững mạnh. Đến năm 1974, dự trữ ngoại hối của Ấn Độ dạt mức 629 triệu đô-la Mỹ, nhưng nước này lại phải nhập khẩu dầu mỏ với mức chi phí gấp đôi mức dự trữ, tức là 1,241 tỉ đô-la Mỹ. Tương tự như vậy, năm 1974, một loạt các nước như Sudan, Pakìstan, Philippines, Thái Lan, châu Phi và châu Mỹ Latin đều phải đối mặt với tình trạng thâm hụt thương mại. Căn cứ vào thống kê của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, mức thâm hụt mậu dịch của các nước đang phát triển năm 1974 là 35 tỉ đô-la Mỹ - một con số khổng lồ thời đó. Điều thú vị là, mức thâm hụt này gấp 4 lần so với năm 1973, hay nói cách khác, tỉ lệ thuận với mức tăng của giá dầu thế giới.
Nền sản xuất công nghiệp và mậu dịch hùng mạnh đầu thập niên 70 đã bị thay thế bởi sự điêu tàn trong mậu dịch và công nghiệp trên phạm vi toàn thế giới từ năm 1974 đến năm 1975 mà mức độ nghiêm trọng của nó được coi là lớn nhất kể từ khi chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc.
Vào thập niên 70 của thế kỷ 20, rất nhiều quốc gia đang phát triển tiến hành công cuộc công nghiệp hóa đã bị phụ thuộc vào các khoản vay lãi suất thấp của Ngân hàng thế giới, thêm vào đó, giá dầu mỏ tăng mạnh khiến cho phần lớn lượng vốn của các quốc gia này bị giá dầu cao nuốt chửng.
Các quốc gia này buộc phải đối mặt với nguy cơ hoặc là dừng hẳn quá trình công nghiệp hóa với khả năng không thể hoàn trả hết các khoản nợ khổng lồ cho Ngân hàng thế giới, hoặc là phải tiếp tục vay nhiều tiền hơn nữa từ Ngân hàng thế giới để mua dầu và hoàn trả những khoản lãi vay khổng lồ.
Còn các nhà tài phiệt ngân hàng quốc tế bắt tay với IMF đã giăng lưới đợi sẵn con mồi. IMF đưa ra một loạt các điều kiện viện trợ hà khắc đồng thời ép buộc các quốc gia phát triển đang rệu rã vì nợ nần kia phải uống “bốn liều thuốc của IMF”: tư hữu hóa các nguồn tài sản cơ bản của quốc gia, tự do hóa thị trường vốn, thị trường hóa các yếu tố sinh hoạt cơ bản và quốc tế hóa mậu dịch tự do. Một khi đã uống thứ thuốc này rồi, phần lớn các quốc gia nếu không tắc tử thì cũng ngắc ngoải, cá biệt có những quốc gia có tiềm lực mạnh cũng rơi vào cảnh nguyên khí tổn hại nặng, dân nghèo nước yếu.
Chính vào lúc các quốc gia đang phát triển vùng vẫy gõ cửa khắp nơi hòng vay mượn đồng đô-la Mỹ để nhập khẩu dầu mỏ với giá đắt đỏ thì lại có một lưỡi tầm sét đang chờ đợi họ.



2. Paul Warburg: Chủ trương “giải thể có kiểm soát” nền kinh tế thế giới
Warburg trúng cử chức Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ là bởi ông được phố Wall lựa chọn. Đây là sự định giá của họ. Điều mà ai cũng biết chính là ông ta rất thông minh và bảo thủ, nhưng điều mà chẳng ai biết chính là ông ta sắp tạo nên một cuộc thay đổi lớn.
Nhà sử học Charles R. Geisst
Năm 1973, vì muốn tăng cường mối quan hệ giữa giới tài chính của Bắc Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản, với sự đề xướng và tư vấn của Brzezinski nên D. Rockefeller - Chủ tịch ngân hàng Chase Mahattan của Mỹ - đã thành lập một tổ chức gọi là Ủy ban ba bên Mỹ, Âu, Nhật. Thành viên chủ yếu của uỷ ban này là một số đại gia ngân hàng, các doanh nghiệp tên tuổi và các chính trị gia nổi tiếng của Bắc Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản. Trụ sở của uỷ ban này được đặt ở ba nơi: New York, Paris và Tokyo, mỗi nơi có một vị chủ tịch. Chủ tịch của trụ sở New York đương nhiên là D. Rockefeller, còn Brzezinski - người được coi là tham mưu tâm phúc của D. Rockefeller - đảm nhận việc chủ trì mọi hoạt động thường ngày của trụ sở này. Brzezinski có một người bạn thân là giáo sư giảng dạy tại Đại học Columbia tên là Dean Rusk - một công dân bang Georgia, đã từng giữ chức Bộ trưởng ngoại giao dưới thời Kennedy Johnson. Ông ta đề nghị Brzezinski mời thống đốc bang Georgia là Carter tham gia vào uỷ ban ba bên này, đồng thời còn ca ngợi đức tính quyết đoán và tầm nhìn chính trị của Carter.
Với sự giới thiệu nhiệt tình của Rusk, Brzezinski đã hai lần gặp Carter. Vừa gặp nhau, Brzezinski đã thấy kết ngay với Carter đồng thời cho rằng, trong tương lai, nhất định Carter sẽ làm nên việc lớn. Vì thế, Brzezinski rất muốn mời Carter về làm việc với mình, nhưng do đang đương chức cộng thêm danh tiếng khi đó mà Carter cảm thấy khó nhận thêm chức thành viên của uỷ ban ba bên. Vậy là, Brzezinski ra sức khen ngợi Carter và trực tiếp tiến cử Carter với D. Rockefeller. Chủ tịch uỷ ban chấp hành ba bên đã chấp nhận Carter. Chính nhờ vậy mà tên tuổi của Jimmy Carter - Thống đốc bang Georgia bé nhỏ - đã được liệt vào danh sách các thành viên của Mỹ trong uỷ ban ba bên. Đây là một bước ngoặt hết sức quan trọng đối với Carter để năm năm sau ông ta đắc cử tổng thống.
Sau khi Carter trở thành ông chủ Nhà Trắng vào năm 1977, Brzezinski đương nhiên trở thành trợ lý an ninh quốc gia của tổng thống Carter. Về bản chất thì Brzezinski đã là “nhiếp chính” trong vai trò đại diện cho các đại gia ngân hàng quốc tế, vai trò của ông ta cũng giống như Kissinger dưới thời Nixon.
Năm 1978, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ khuyết vị trí Chủ tịch - một vị trí mà các nhà tài phiệt ngân hàng quốc tế hết sức coi trọng. D. Rockefeller đã tiến cử Paul Warburg - một nhân vật thân tín của mình - với Carter cho chức vụ này. Tổng thống Carter không còn cách nào khác đã phải chấp nhận đề xuất đó.
Tờ New York Times đã đưa ra bình luận rằng “việc bổ nhiệm Warburg đã nhận được sự đồng tình của các ngân hàng châu Âu ở Bonn, Frankfurt và Thuỵ Sĩ”. Phản ứng lại với thông tin này, thị trường cổ phiếu New York vốn đang trên đà tăng giá đã vọt thêm 9,73 điểm, trong chốc lát, đồng đô-la Mỹ cũng mạnh lên trông thấy trên thị trường quốc tế.
Kể từ khi Eugene Meyer từ chức ở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vào năm 1933 đến nay, các thành viên trong dòng họ ngân hàng quốc tế đã rút lui khỏi tuyến đầu của thị trường tài chính và khống chế sự vận hành của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ bằng cách lựa chọn gắt gao những nhân vật quan trọng cho vị trí Giám đốc Ngân hàng New York thuộc Cục Dự trữ Liên bang. Warburg là một sự lựa chọn tối ưu của họ. Trước đó, Paul Warburg đã tốt nghiệp Đại học Princeton và Harvard, sau đó theo học khóa đào tạo chuyên sâu ở Học viện kinh tế London (London School of Economics). Thập niên 50, ông làm việc tại Ngân hàng New York thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ với tư cách là một nhà kinh tế học, sau đó làm việc cho Chase Mahattan Bank, đến thập niên 60 lại chuyển sang làm việc ở Bộ tài chính đồng thời là một trong những nhân vật chính tham gia và thực thi tích cực chiến dịch phế bỏ bản vị vàng dưới thời Nixon. Năm 1974, ông bắt đầu đảm nhiệm vị trí Giám đốc Ngân hàng New York thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, chịu tránh nhiệm giám sát mọi hoạt động của Cục Dự trữ Liên bang.
Ngày 9 tháng 11 năm 1978, trong một bài diễn thuyết tại Đại học Warwick, với khí thế phấn chấn, Warburg tiết lộ: “Việc “giải thể có kiểm soát” nền kinh tế thế giới ở một mức độ nào đó là một mục tiêu hợp lý của thập niên 80”.
Vấn đề là giải thể ai và giải thể như thế nào?
Đối tượng của công cuộc giải thể này đương nhiên là các nước thuộc thế giới thứ ba đang nợ nần chồng chất, tiếp đến là Liên Xô và Đông Âu. Vừa mới lên nhậm chức, Warburg đã phất cao ngọn cờ công kích nạn “lạm phát tiền tệ trên phạm vi toàn thế giới”, phối hợp chặt chẽ với đồng minh Anh khiến cho các khoản vay bằng đồng đô-la trở nên có giá đến mức không gì sánh nổi. Lãi suất bình quân tăng từ 112% năm 1979 lên 20% năm 1981, lãi suất cơ bản cao hơn đến 21,5%, lãi suất công trái tăng vọt lên 17,3%. Tháng 5 năm 1979, khi trở thành Thủ tướng Anh, Thatcher tuyên bố rằng “cần phải loại bỏ nạn lạm phát tiền tệ ra khỏi nền kinh tế”. Mới lên nắm quyền được một tháng, bà đã đưa mức lãi suất cơ bản từ 12% tăng lên 17% chỉ trong vòng 12 tuần, đẩy giá thành khoản vay nợ của các ngành nghề tăng cao đột biến lên 42% - một điều chưa từng xảy ra ở bất kỳ nước nào trong số các quốc gia công nghiệp hóa thời kỳ hoà bình. Vì thế mà Thatcher đã được mệnh danh là “bà đầm thép”.
Cái giá phải trả cho chính sách “chống lạm phát tiền tệ” là nền kinh tế đã rơi vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng, người dân và giới thương nghiệp phải gánh chịu nỗi thống khổ, trong khi các nhà tài phiệt ngân hàng Anh - Mỹ lại kiếm được bộn tiền.
Các khẩu hiệu như cắt giảm chi tiêu chính phủ, giảm thuế, xóa bỏ kiểm soát nghề nghiệp, đánh đổ lực lượng công đoàn… được xướng lên vang tận mây xanh. Các quốc gia đang phát triển ngày càng lâm vào cảnh nợ nần và đối mặt với nguy cơ khó có khả năng chi trả trầm trọng. Lúc này, nợ của các quốc gia đang phát triển tăng từ 130 tỉ đô-la Mỹ vào tháng 5 năm 1973 - thời điểm diễn ra hội nghị Bilderberg - lên mức 612 tỉ đô-la Mỹ vào năm 1982, nghĩa là gấp 5 lần.
Trong khi Anh và Mỹ phất cao khẩu hiệu “chống lạm phát tiền tệ”, đẩy lãi suất tăng cao đột ngột lên khoảng 20% thì mức lãi suất cắt cổ từ những khoản nợ kếch xù đã khiến các quốc gia đang phát triển lâm vào cảnh “cá nằm trên thớt”.
Các nước Á, Phi, Mỹ Latin vốn không hề có ý thức đề phòng cuộc chiến tranh tiền tệ đã phải trả giá đắt cho sự lơ là của mình.
Tại hội nghị Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 30 tháng 9 năm 1982, Schultz - Bộ trưởng ngoại giao Mỹ đã chỉ ra rằng, Quỹ tiền tệ quốc tế cần phải tăng cường đốc thúc việc trả nợ của các quốc gia đang phát triển. Ông kêu gọi các quốc gia này phải làm thế nào để khiến cho hàng hóa xuất khẩu của họ trở nên “hấp dẫn phương Tây hơn”. Ông cũng cho rằng, chỉ có “mậu dịch tự do” mới có thể cứu vãn được họ, ngoài ra, việc tăng cường mức độ xuất khẩu tài nguyên có thể giúp các nước này đẩy nhanh quá trình hoàn trả hết các khoản nợ của họ.
Lopez Portillo - tổng thống Mê-hi-cô - đã thẳng thắn vạch ra mưu đồ này khi cho rằng, sách lược của các nhà tài phiệt ngân hàng quốc tế Anh - Mỹ chính là việc sử dụng con dao hai lưỡi - lãi suất cao và giá cả nguyên vật liệu tăng cao - nhằm bóp nghẹt những thành tựu mà các quốc gia đang phát triển có được đồng thời làm mất đi khả năng tiến bộ của các quốc gia còn lại. Sâu xa hơn, ông yêu cầu các quốc gia đang phát triển cần phải ngừng ngay việc chi trả các khoản nợ bằng cách chỉ ra rằng:
Mê-hi-cô và các nước thuộc thế giới thứ ba khác không thể hoàn trả nợ đúng hạn nếu căn cứ vào những điều kiện sai lệch quá nhiều so với thực tế. Là những nước đang phát triển, chúng tôi không muốn trở thành những kẻ phụ thuộc vào các nước phương Tây. Chúng tôi không thể làm tê liệt nền kinh tế của nước mình hoặc khiến cho người dân rơi vào tình cảnh bi thảm hơn khi hoàn trả những khoản nợ này. Chi phí cho các khoản nợ này đã tăng lên ba lần rồi nhưng chúng tôi không hề được hỏi ý kiến, vì thế, chúng tôi không chịu trách nhiệm về vấn đề này. Chúng tôi đang nỗ lực để giảm thiểu nạn đói nghèo, bệnh tật, thiếu hiểu biết, sự ỷ lại và những nỗ lực này không thể gây nên nguy cơ khủng hoảng mang tính quốc tế.
Điều đáng tiếc là Portillo đã buộc phải từ nhiệm sau hai tháng kể từ khi phát ngôn tại Đại hội đồng Liên hợp quốc. Người kế nhiệm Portillo là một nhân vật được các đại gia ngân hàng quốc tế ủng hộ. Trong vai trò “cảnh sát duy trì trật tự cho vay”, IMF đã buộc Mê-hi-cô hoàn thành nghĩa vụ trả nợ của mình. Engle đã miêu tả về khoảng thời gian lịch sử này như sau:
Hành động ăn cướp có tổ chức với quy mô lớn nhất trong lịch sử hiện đại đã bắt đầu diễn ra. Quy mô của nó đã vượt qua những hoạt động tương tự trong thập niên 20. Nó tương phản hoàn toàn với tình hình mà giới truyền thông Tây Âu hoặc Mỹ cố tình che giấu. Các nước vay nợ đã hoàn trả xong nợ nần cho Sherlock của New York và London hiện đại. Sau tháng 8 năm 1982, các nước đang phát triển không những không trả nợ mà còn tỏ ra bất hợp tác. Nhưng trong tình cảnh bị IMF truy ép, họ đã buộc phải đặt bút ký vào một bản thoả thuận với các nhà tài phiệt ngân hàng với tên gọi rất mỹ miều “Phương án giải quyết nợ”.
Việc cho vay của IMF chỉ được thực hiện sau khi nước vay nợ đặt bút ký vào một loạt các “điều khoản đặc biệt”, bao gồm: cắt giảm chi tiêu chính phủ, nâng cao thuế suất, giảm giá tiền tệ. Sau đó, nếu nợ lại bị kéo dài lần nữa, các quốc gia đang phát triển còn phải chi tiếp một khoản “phí dịch vụ“ cho nhà tài phiệt ngân hàng quốc tế, và được ghi vào trong tiền gốc của nợ vay.
Mê-hi-cô buộc phải cất giảm trợ cấp chính phủ đối với dược phẩm, thực phẩm, chất đốt và các nhu yếu phẩm khác trong đời sống, đồng thời đồng pê-sô bị giảm giá xuống đến mức thảm hại. Đầu năm 1982, với hàng loạt biện pháp cải cách kinh tế của tổng thống Portillo, tỉ giá của đồng pêsô đối với đô-la Mỹ là 12 pê-sô ăn 1 đô-la, còn đến năm 1989, tỉ giá pê-sô đối với đồng đô-la đã lên đến 2300:1, nền kinh tế Mê-hi-cô trên thực tế đã bị các nhà tài phiệt ngân hàng quốc tế “giải thể có kiểm soát”.
Theo thống kê của Ngân hàng thế giới, từ năm 1980 đến năm 1986, tổng số tiền mà hơn một trăm quốc gia mắc nợ trên thế giới phải chi trả cho các nhà tài phiệt ngân hàng quốc tế là 658 tỉ đô-la, trong đó khoản lãi mà họ phải trả là 326 tỉ đô-la, còn tiền vốn là 332 tỉ đô-la. Đến năm 1987, khoản nợ mà 109 quốc gia cần phải trả cho các nhà ngân hàng quốc tế là 1.300 tỉ đô-la.
Với cách tính theo kiểu lãi mẹ đẻ lãi con kinh hoàng như vậy, rất có thể các quốc gia đang phát triển sẽ chẳng bao giờ hoàn trả hết khoản nợ này. Cho nên, các nhà tài phiệt ngân hàng quốc tế và IMF đã bắt đầu thực thi chính sách phá sản để thanh toán nợ đối với các quốc gia vay nợ. Các quốc gia chấp nhận “phương án giải quyết nợ vay” của các ông trùm ngân hàng bị ép phải bán đi các tài sản chủ chốt với giá rẻ như bèo, chẳng hạn hệ thống cung cấp nước, điện lực, khí thiên nhiên, đường sắt, điện thoại, dầu mỏ, ngân hàng.
Rốt cục thì mọi người cũng nhận ra được mức độ sát thương của kế hoạch “giải thể có kiểm soát” do các nhà tài phiệt ngân hàng quốc tế hoạch định!




3. Ngân hàng bảo tồn môi trường thế giới: Kiểm soát 30% lục địa trái đất
Trong khi các quốc gia đang phát triển khu vực Á - Phi và Mỹ Latin lâm vào cảnh nợ nần, các nhà tài phiệt ngân hàng quốc tế lại bắt đầu lên một kế hoạch hiểm độc hơn, vượt quá sức tưởng tượng của mọi người. Không ai có thể ngờ rằng, khẩu hiệu “bảo vệ môi trường” lại trở thành đòn bẩy cho một âm mưu lớn hơn.
Nếu không nhìn nhận vấn đề từ góc độ lịch sử, chúng ta không thể hiểu được uy lực khủng khiếp của các nhà tài phiệt ngân hàng quốc tế!
Đầu tháng 8 năm 1963, John Doe - một giáo sư xã hội học của trường Đại học nổi tiếng vùng Trung - Tây nước Mỹ - nhận được lời mời từ Washington với đề nghị ông nên tham dự cuộc hội thảo về một công trình nghiên cứu bí mật. Mười lăm chuyên gia tham gia vào kế hoạch này đều là các học giả hàng đầu của các trường đại học danh tiếng ở Mỹ. John Doe đã đến Iron Mountain - nơi hội nghị diễn ra - với một sự hiếu kỳ.
Iron Mountain nằm cạnh thành phố Hudson của bang New York. Nơi đây có hầm ngầm rất lớn được xây dựng từ thời chiến tranh lạnh để phòng chống sự tấn công hạt nhân của Liên Xô. Hầu như các công ty lớn nhất nước Mỹ như Công ty New Jersey Oil Standard, Công ty dầu khí Shell và Công ty uỷ thác chế tạo Hannover đều đặt trụ sở làm việc lâm thời ở nơi này. Nếu chiến tranh hạt nhân bùng nổ, nơi đây sẽ trớ thành trung tâm vận hành thương nghiệp quan trọng nhất của nước Mỹ. Vì thế, dù chiến tranh hạt nhân có xảy ra thì hệ thống thương nghiệp Mỹ vẫn có thể hoạt động. Bình thường, nơi này được dùng làm nơi cất giữ các văn kiện, hồ sơ bí mật của các tập đoàn kinh tế hàng đầu nước Mỹ.
Đề tài của nhóm nghiên cứu bí mật này là nếu như thế giới bước vào giai đoạn hoà bình vĩnh viễn thì nước Mỹ sẽ phải đối mặt với thách thức nào, sách lược ứng phó của Mỹ ra sao. Nhóm nghiên cứu này đã làm việc liên tục trong thời gian hai năm rưỡi.
Năm 1967, nhóm nghiên cứu gồm 15 người này đã hoàn thành một bản báo cáo tuyệt mật. Các tác giả của bản báo cáo này được chính phủ yêu cầu phải bảo mật hoàn toàn. Nhưng giáo sư John Doe thì cho rằng bản báo cáo này quá quan trọng, không thể không công bố cho công chúng biết.
Vì thế, ông tìm đến nhà văn nổi tiếng Leonard Lewin, và với sự giúp đỡ của nhà văn này, năm 1967, bản báo cáo này đã được Nhà xuất bản Dial Press cho ra mắt dưới cái tên “Bản báo cáo đến từ Núi Sắt”
(Report From Iron Mountain). Sau khi được tung ra, bản báo cáo này đã gây sốc cho tất cả mọi người trong xã hội Mỹ. Mọi người đoán già đoán non chẳng biết ai là “John Doe”.
Tác giả của bản báo cáo này được cho là Robert McNamara - Bộ trưởng quốc phòng lúc đó. McNamara là thành viên của Hội đồng quan hệ quốc tế, về sau đảm nhiệm chức Chủ tịch Ngân hàng thế giới. Còn cơ quan tổ chức triển khai kế hoạch nghiên cứu chính là Viện nghiên cứu Hudson mà Herman Kahn - một thành viên của Hội đồng quan hệ quốc tế - là người sáng lập nên tổ chức này.
Sau khi bản báo cáo bị tiết lộ, Rostow - cố vấn an ninh quốc gia của Johnson đã ngay lập tức tìm cách
“tiêu độc”. Ông nói rằng, bản báo cáo này đơn thuần chỉ là trò bịa đặt. Đồng thời tờ Times của Henry Luce - một thành viên Hội đồng quan hệ quốc tế - cũng cho rằng, bản báo cáo này là “sự giả dối tinh vi”.
Và cho đến nay, chẳng một ai tại Mỹ có thể đưa ra kết luận chính xác về tính chất thật hư của bản báo cáo này.
Tuy nhiên, ngày 26 tháng 11 năm 1967, tờ Washington Post đã đăng bản báo cáo này trong mục “bình luận sách”.
Người giới thiệu bản báo cáo này chính là John Kenneth Gabraith - giáo sư danh tiếng của Đại học Harvard đồng thời cũng là thành viên của Hội đồng quan hệ quốc tế. Trong một bài viết của mình, ông đã nói rằng mình có bằng chứng cho thấy bản báo cáo này là thật, bởi chính ông cũng đã tham gia vào hội nghị này. Dù sau đó, ông rút ra khỏi án này, nhưng dự án vẫn luôn cần đến sự tham vấn của ông, và ông cũng được yêu cầu phải giữ bí mật các cuộc tiếp xúc đó. “Tôi sẵn sàng lấy danh dự cá nhân ra để đảm bảo tính chân thực của văn kiện này. Tôi cũng sẵn sàng chứng thực tính hữu hiệu trong kết luận của nó. Tôi chỉ lưu ý một điều là việc công bố chúng trong khi người dân chưa được chuẩn bị để đón nhận bản báo cáo ấy liệu có phải là hành động sáng suốt hay không. Sau đó, Gabraith đã từng hai lần xác nhận lại tính xác thực của báo cáo trên một số phương tiện truyền thông.
Vậy kết luận của bản báo cáo này là như thế nào và vì sao nó khiến cho các bậc “tinh anh” của thế giới phải căng thẳng đến vậy?
Báo cáo này đã tiết lộ một cách chi tiết quy hoạch phát triển của “các bậc tinh anh” đối với thế giới tương lai. Tôn chỉ cơ bản của báo cáo là không thảo luận những khái niệm trống rỗng kiểu như vấn đề đúng hay sai, tự do và nhân quyền, hình thái ý thức, chủ nghĩa yêu nước và tín ngưỡng tôn giáo. Tất cả những vấn đề này đều không chiếm được bất cứ vị trí nào, và đây được coi là một bản báo cáo “khách quan thuần tuý”.
Báo cáo đã vạch rõ tôn chỉ:
Hoà bình kéo dài, cho dù về mặt lý luận là có thể, nhưng không thể duy trì liên tục. Cho dù có thể đạt được mục tiêu hoà bình, chắc chắn nó cũng không phải là sự lựa chọn tốt nhất của một xã hội ổn định…
Chiến tranh là một phương thức đặc biệt khiến xã hội chúng ta ổn định. Trừ khi có được những phương thức mới thay thế, nếu không hệ thống chiến tranh vẫn cần phải được duy trì và tăng cường.
Báo cáo cho rằng, chỉ có trong thời kỳ chiến tranh, hoặc khi bị chiến tranh đe doạ, người dân mới phục tùng chính phủ ở mức độ cao nhất mà không hề oán thán. Sự thù hận đối với kẻ thù và cảm giác lo sợ bị chinh phục cũng như bị kẻ thù cướp bóc khiến cho người dân có thể gánh chịu những khoản thuế và sự hy sinh nặng nề hơn. Chiến tranh còn là liều doping khiến cho người dân càng thêm mạnh mẽ hơn với tinh thần một lòng ái quốc, trung thành và quyết thắng, người dân có thể phục tùng một cách vô điều kiện, bất cứ ý kiến ngược chiều nào cũng sẽ bị cho là hành động phản bội. Ngược lại trong thời bình, người dân sẽ phản đối chính sách sưu cao thuế nặng một cách bản năng và tỏ rõ thái độ chán ghét chính phủ - kẻ can thiệp quá nhiều, quá sâu vào đời sống riêng tư của họ.
Hệ thống chiến tranh không chỉ là nhân tố cần thiết của một quốc gia có hệ thống chính trị tồn tại độc lập mà còn đóng một vai trò thiết yếu đối với sự ổn định chính trị. Không có chiến tranh, tính hợp pháp trong việc thống trị dân chúng của chính phủ sẽ nảy sinh vấn đề. Khả năng xảy ra chiến tranh sẽ tạo cơ sở để một chính phủ có đủ quyền lực. Rất nhiều dẫn chứng lịch sử cho thấy rằng, nếu không bị nguy cơ chiến tranh đe doạ, chính quyền sẽ tan rã. Điều này bắt nguồn từ lợi ích cá nhân, sự oán hận đối với bất công trong xã hội cũng như các yếu tố khác. Khả năng xảy ra chiến tranh có thể trở thành yếu tố tạo ra sự ổn định về chính trị và duy trì kết cấu tổ chức xã hội. Nó duy trì sự phân tầng xã hội rõ ràng, đảm bảo sự phục tùng của nhân dân đối với chính phủ.
Tuy nhiên, bản báo cáo này cho rằng, phương thức chiến tranh truyền thống cũng hàm chứa những hạn chế mang tính lịch sử, và nếu cứ tiến hành chiến tranh theo phương thức cũ, khả năng xây dựng một chính phủ mang tầm thế giới sẽ khó trở thành hiện thực. Đặc biệt, trong thời đại chiến tranh hạt nhân, sự bùng phát chiến tranh đã trở thành một vấn đề khó dự đoán và vô cùng nguy hiểm. Nếu để ý, nghiên cứu này đã được tiến hành không lâu sau cuộc khủng hoảng đạn đạo ở Cuba, vì thế, ở một chừng mực nào đó, bóng đen của cuộc chiến tranh hạt nhân giữa Mỹ với Liên Xô đã gây ảnh hưởng đến tinh thần của các tác giả.
Vấn đề là, nếu một khi thế giới thật sự có được “hoà bình vĩnh viễn” thì đâu là lối thoát của xã hội Mỹ? Đây chính là đáp án mà nhóm nghiên cứu bí mật này phải tìm ra. Hay nói cách khác, họ cần phải tìm ra một phương án mới có đủ sức thay thế “chiến tranh” cho nước Mỹ. Qua nghiên cứu cẩn trọng, các chuyên gia đã đề xuất một phương án mới có thể thay thế chiến tranh bao gồm ba điều kiện:
1. Trong lĩnh vực kinh tế, cần phải “lãng phí” 10% GDP mỗi năm.
2. Cần phải tạo ra một sự đe dọa khủng khiếp tương tự như chiến tranh, có quy mô rộng lớn khiến cho người dân tin vào sự đe dọa đó.
3. Cần phải đưa ra một lý do logic buộc người dân phục vụ nhiệt tình hơn cho chính phủ.
Một giải pháp thay thế chiến tranh đồng thời thoả mãn cả ba điều kiện này quả thật không phải chuyện dễ dàng.
Đầu tiên, các chuyên gia nghĩ đến việc “tuyên chiến với đói nghèo”. Tuy là một vấn đề hệ trọng, nhưng vấn đề đói nghèo chưa đủ sức đe dọa dân chúng, vì thế nó nhanh chóng bị loại bỏ. Một lựa chọn khác chính là sự xâm lược của người ngoài hành tinh. Tuy vấn đề này đủ sức đe dọa, nhưng vào thập niên 60, nó vẫn thiếu độ tin cậy cần thiết, vì vậy rốt cuộc cũng bị gạt sang một bên.
Cuối cùng, người ta nghĩ đến vấn đề “ô nhiễm môi trường”. Ở mức độ nào đó thì ô nhiễm môi trường là một vấn đề thực tế, lại có đủ độ tin cậy, nếu trên dưới đều ra sức tuyên truyền thì điều này có thể khiến cho người dân thế giới thấy được mức độ nguy hiểm của ô nhiễm môi trường đối với tương lai thế giới - vấn đề chỉ đứng sau nguy cơ chiến tranh hạt nhân. Môi trường không ngừng bị ô nhiễm chắc chắn sẽ gây “lãng phí” hết sức lớn về kinh tế; người dân phải cố chịu đựng mức thuế cao và hạ thấp chất lượng cuộc sống, chấp nhận để chính phủ can thiệp vào đời sống riêng tư của cá nhân, tất cả là vì “cứu trái đất”, một vấn đề logic vô cùng.
Đây quả thực là một sự lựa chọn tuyệt vời!
Theo tính toán một cách khoa học, thời gian cần để vấn đề ô nhiễm môi trường trở thành cuộc khủng hoảng trầm trọng trên phạm vi toàn thế giới là vào khoảng từ 20 đến 30 năm. Thời gian công bố trên báo cáo là năm 1967.
Hai mươi năm sau…
Tháng 9 năm 1987, Đại hội lần thứ tư của Uỷ ban Bảo vệ Động vật hoang dã thế giới đã được tổ chức tại thành phố Denver, bang Colorado của Mỹ. Hơn 2.000 đại biểu đến từ hơn 60 quốc gia đã tham gia hội nghị lần này. 1.500 đại biểu tham gia hội nghị lần này đã hết sức ngạc nhiên khi biết được có một văn kiện mang tên “Tuyên bố Denver về bảo tồn động vật hoang dã“ (Denver Declaration for Worldwide Conservation) đã được chuẩn bị sẵn cho họ.
Tuyên bố Denver đã chỉ ra:
Do nhu cầu về nguồn vốn cho việc mở rộng phạm vi hoạt động bảo vệ môi trường, chúng ta cần phải sáng lập ra một mô hình ngân hàng mới nhằm tăng cường quản lý nguồn vốn thu được từ viện trợ quốc tế cũng như việc sử dụng vốn của các nước nhận viện trợ cho công tác quản lý và bảo vệ môi trường.
Mô hình ngân hàng mới này chính là phương án “Ngân hàng bảo vệ môi trường thế giới”.
Khác với các hội nghị tương tự đã diễn ra trước đây, một loạt các nhà ngân hàng quốc tế đã tham gia đầy đủ vào hội nghị lần này: Nam tước Edmund De Rothschild, David Rockefeller và James Baker - Bộ trưởng tài chính Mỹ.
Những nhân vật chóp bu vô cùng bận rộn này đã nấn ná ở lại hội nghị bảo vệ môi trường đến 6 ngày. Edmund De Rothschild đã phát biểu tại đại hội và gọi “ngân hàng bảo vệ môi trường thế giới” này là “kế hoạch Marshall thứ hai” mà sự ra đời của nó sẽ “cứu vớt” các quốc gia đang phát triển thoát ra khỏi vũng lầy nợ nần, đồng thời còn có thể bảo vệ được môi trường sinh thái.
Hãy lưu ý rằng, đến hết năm 1987, tổng nợ của các quốc gia đang phát triển đã lên đến 1.300 tỉ đô-la Mỹ.
Khái niệm then chốt của Ngân hàng bảo vệ môi trường thế giới chính là “chuyển đổi nợ thành tài nguyên thiên nhiên” (Debt-for-nature Swap). Khoản nợ 1300 tỉ đô-la của các quốc gia đang phát triển kia được chuyển vào ngân hàng mới, và con nợ buộc phải dùng tài nguyên của đất nước mình để thế chấp, đổi lại, họ sẽ được kéo dài thời hạn đáo nợ đồng thời được nhận những khoản vay mềm mới (Soft Currency Loan). Như vậy, đất đai tài nguyên của các quốc gia đang phát triển trải dài khắp châu Mỹ Latin, châu Phi và châu Á với tổng diện tích lên đến 50 triệu km2, tương đương với tổng diện tích của 5 quốc gia cỡ vừa, chiếm 30% diện tích lục địa của trái đất đã bị các nhà ngân hàng quốc tế “thiến” mất.
Hầu hết các khoản vay từ IMF và Ngân hàng thế giới trong thập niên 70 của các quốc gia đang phát triển đều không có tài sản thế chấp, tức là các khoản vay này đều dựa vào tín dụng quốc gia làm bằng chứng, cho nên nếu khủng hoảng nợ xảy ra thì các nhà tài phiệt ngân hàng quốc tế rất khó tiến hành liệu pháp phá sản để thu nợ. Nhưng giờ đây, ngay sau khi những khoản nợ này được chuyển vào Ngân hàng bảo vệ môi trường thế giới, căn cứ vào sổ sách của các nhà ngân hàng quốc tế, những khoản nợ vốn dĩ rất khó đòi này trong chốc lát đã biến thành những tài sản đặc biệt giá trị. Do Ngân hàng bảo vệ môi trường thế giới có đầy đủ đất đai làm vật thế chấp nên một khi các quốc gia đang phát triển không thể hoàn trả nợ thì xét về mặt pháp lý, số đất đai khổng lồ này đã thuộc về Ngân hàng bảo vệ môi trường thế giới, và đương nhiên, các nhà ngân hàng quốc tế kiểm soát Ngân hàng bảo vệ môi trường thế giới sẽ trở thành người chủ thực tế của những vùng đất phì nhiêu này. Nếu nhìn từ quy mô vận động phát triển của nhân loại thì Ngân hàng bảo vệ môi trường thế giới quả thực là có một không hai.
Vì lợi ích khổng lồ như vậy mà những ông trùm như Rothschild và Rockefeller đã phải “quan tâm” đến Đại hội kéo dài 6 ngày này.
Sau khi nghe Rothschild đề xuất phương án thành lập Ngân hàng bảo vệ môi trường thế giới, Jose Pedrode Oliveira Costa - một quan chức cao cấp của Bộ tài chính Brazil - đã thức trắng suốt đêm. Ông cho rằng, Ngân hàng bảo vệ môi trường có thể cung cấp cho đất nước ông những khoản vay mềm và trong một thời gian ngắn có thể giúp ích cho nền kinh tế Brazil khởi động lại, nhưng về lâu dài, Brazil không thể trả hết số nợ này, và kết quả là toàn bộ khu vực Amazon trù phú kia được đem làm vật thế chấp vay vốn sẽ không còn thuộc về Brazil nữa. Tài nguyên bị đem làm thế chấp không chỉ có đất đai, mà nguồn nước và các tài nguyên khác dưới lòng đất cũng đều xếp vào hàng thế chấp.
Cuối cùng, vào năm 1991, để dễ bề lừa bịp dân chúng, Ngân hàng bảo vệ môi trường thế giới đã đổi tên thành Quỹ môi trường toàn cầu (Global Environment Facility). Ngân hàng này nằm dưới sự quản lý và giám sát của Ngân hàng thế giới với cổ đông lớn nhất là Bộ tài chính Mỹ. Trước mắt, quy hoạch lâu dài của các nhà ngân hàng quốc tế đang từng bước được thực thi.




4. Bom hạt nhân tài chính: nhắm hướng Tokyo
Nhật Bản đã tích luỹ được khoản thi sản khổng lồ trên bình diện quốc tế, trong khi Mỹ lại đang sa vào vũng lầy nợ nần. Ưu thế quân sự mà tổng thống Ronald Wilson Reagan theo đuổi chỉ là một thứ ảo giác khiến chúng ta phải trả giá bằng việc đánh mất vị thế chủ nợ trong nền kinh tế thế giới. Cho dù vẫn tiếp tục nuôi ý đồ núp sau cái bóng của Mỹ để âm thầm phát triển, nhưng trên thực tế, Nhật Bản đã trở thành đất nước của những nhà tài phiệt ngân hàng đẳng cấp thế giới. Sức mạnh tài chính giúp cho Nhật Bản phát triển mạnh mẽ và trở thành lực lượng chủ đạo trong việc dẫn dắt thế giới - một việc khiến chúng ta hết sức bất an.
Soros, năm 1987
Trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất, vị trí chủ nợ quốc tế của Anh đã mất về tay Mỹ, đế quốc Anh cũng đồng thời mất đi địa vị bá chủ toàn cầu. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nền kinh tế của các quốc gia Đông Á đã không ngừng lớn mạnh và trở thành điều bất an cho các nhà tài phiệt ngân hàng phố Wall - London. Vì thế, các nhà tài phiệt này vội tìm cách đối phó với tất cả những đối thủ cạnh tranh tiềm ẩn có nguy cơ gây cản trở và phá hoại kế hoạch xây dựng chính phủ thế giới cùng hệ thống tiền tệ thống nhất do họ khởi xướng.
Nhật Bản được xem là nền kinh tế cất cánh sớm nhất ở châu Á. Xét ở mặt chất lượng tăng trưởng kinh tế, sức cạnh tranh trong xuất khẩu sản phẩm công nghiệp cũng như tốc độ và quy mô tích luỹ tài sản, Nhật Bản là quốc gia phát triển mạnh mẽ khiến cho các nhà ngân hàng quốc tế lo sợ. Và nói như Lawrence Summers - Bộ trưởng tài chính Mỹ dưới thời Bill Clinton thì: “Khu vực kinh tế Đông Á với sự trỗi lên của Nhật Bản đã gây nên sự lo sợ cho đại đa số người Mỹ. Họ lo ngại rằng, nguy cơ từ Nhật Bản thậm chí còn mạnh hơn cả nguy cơ từ Liên Xô”.
Sau chiến tranh, Nhật Bản đã bắt chước cách thiết kế sản phẩm của phương Tây, sau đó nhanh chóng hạ giá thành sản xuất và cuối cùng đã chiếm lĩnh ngược lại thị trường Âu-Mỹ. Ngay từ những năm 60, Nhật Bản đã bắt đầu sử dụng nhiều robot công nghiệp trên quy mô lớn trong ngành công nghiệp ô tô khiến cho tỉ lệ sai sót chủ quan giảm xuống gần như bằng không. Cuộc khủng hoảng dầu mỏ thập niên 70 đã khiến cho những chiếc xe hơi ngốn xăng do Mỹ sản xuất nhanh chóng bị các loại xe tiết kiệm dầu, mẫu mã đẹp với giá rẻ của Nhật đá văng ra khỏi thương trường. Chất lượng của nền công nghiệp ô tô Mỹ giảm xuống và đã dần dần mất đi năng lực đối kháng trước sức tiến công mạnh mẽ của nền công nghiệp sản xuất ô tô của Nhật. Từ những năm 80 đến nay, nền công nghiệp điện tử của Nhật Bản đã tăng trưởng đột phá, hàng loạt những công ty điện tử lớn như Sony, Hitachi, Toshiba xuất phát là những công ty gia công, mô phỏng và sao chép công nghệ của phương Tây, đã nhanh chóng trở thành những công ty sáng tạo hàng đầu thế giới.
Sự thuần thục của người Nhật trong kỹ thuật chế tạo mạch điện và chíp máy tính trừ máy xử lý trung tâm cũng như ưu thế của robot công nghiệp và sức lao động giá rẻ của Nhật Bản đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành công nghiệp điện tử và phần cứng máy tính của Mỹ. Thậm chí tên lửa do Mỹ chế tạo còn phải sử dụng đến chíp điện tử (vi xử lý) của Nhật. Có một dạo hầu như mọi người dân Mỹ đều tin rằng, việc Toshiba, Hitachi mua lại IBM và Intel của Mỹ chỉ còn là vấn đề thời gian, còn công nhân công nghiệp Mỹ thì lo rằng robot của Nhật sẽ cướp mất bát cơm của họ.
Chính sách lãi suất cao được Mỹ và Anh thực thi vào đầu những năm 80 đương nhiên đã cứu vãn được niềm tin vào đồng đô-la đồng thời hạ gục được một loạt các quốc gia đang phát triển ở châu Phi và châu Mỹ Latin. Tuy nhiên, chính sách lãi suất cao cũng đồng thời gây sát thương nghiêm trọng cho nền công nghiệp Mỹ, tạo điều kiện cho các sản phẩm của Nhật chiếm lĩnh thị trường Mỹ.
Khi cả nước Nhật đang hân hoan với viễn cảnh “Nhật Bản có thể nói không” thì một cuộc chiến nhằm loại bỏ nền tài chính Nhật đã được các nhà tài phiệt ngân hàng quốc tế lập trình sẵn.
Tháng 9 năm 1985, các nhà tài phiệt ngân hàng quốc tế cuối cùng cũng đã ra tay. “Thoả thuận Plaza” đã được bộ trưởng tài chính của 5 nước là Mỹ, Anh, Nhật, Đức và Pháp ký tại Plaza Hotel với mục đích để cho đồng đô-la mất giá một cách “có kiểm soát” so với các loại tiền tệ chủ yếu khác. Dưới áp lực của Beck - Bộ trưởng tài chính Mỹ, Ngân hàng Nhật Bản đã buộc phải đồng ý nâng giá đồng yên. Chỉ trong vòng mấy tháng sau khi “Thoả thuận Plaza” được ký kết, tỉ giá đồng yên Nhật từ 250 yên đổi 1 đô-la Mỹ đã tăng lên mức 149 yên ăn 1 đô-la.
Tháng 10 năm 1987, thị trường cổ phiếu New York suy sụp, Beck liền gia tăng áp lực đối với Nakasokon -thủ tướng Nhật Bản - với yêu cầu ngân hàng Nhật Bản tiếp tục hạ lãi suất xuống. Động thái này của Bộ trưởng tài chính Mỹ nhằm tạo ra sức hấp dẫn cho thị trường cổ phiếu Mỹ so với thị trường Nhật và hút nguồn vốn từ thị trường Tokyo chảy ngược về Mỹ. Beck đã đưa ra cảnh báo rằng, nếu như Đảng Dân chủ lên nắm quyền, Mỹ sẽ giải quyết dứt điểm vấn đề thâm hụt mậu dịch Mỹ - Nhật. Sau đó, Beck lại chìa ra một củ cà rốt với đảm bảo rằng, Đảng Cộng hoà sẽ tiếp tục nắm quyền, Bush cha sẽ thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ thân thiết Mỹ - Nhật. Thủ tướng Nhật lúc bấy giờ là Nakasokon buộc phải gật đầu nhân nhượng và ra lệnh hạ lãi suất đồng yên xuống còn 2,5%. Hệ thống ngân hàng Nhật Bản bắt đầu lâm vào tình trạng lạm phát, phần lớn tiền của được đổ vào thị trường cổ phiếu và thị trường bất động sản. Tỉ lệ tăng trưởng của thị trường chứng khoán Tokyo lên đến 40%/năm, bất động sản thậm chí còn vượt qua ngưỡng 90%. Một quả bong bóng tài chính khổng lồ đã bắt đầu được hình thành.
Trong tình hình biến động của thị trường hối đoái, ngành xuất khẩu của Nhật Bản bị thiệt hại nặng. Để giải quyết hậu quả xấu trong ngành xuất khẩu do sự tăng giá của đồng yên, các doanh nghiệp đã đua nhau vay tiền với lãi suất thấp từ ngân hàng để nướng vào cổ phiếu. Dịch vụ cho vay nóng của các ngân hàng Nhật Bản nhanh chóng trở thành dịch vụ có quy mô lớn nhất trên thế giới. Đến năm 1988, 10 ngân hàng quy mô lớn nhất trước đây của thế giới đã bị Nhật thôn tính. Lúc này, thị trường cổ phiếu của Tokyo đã tăng lên 300% chỉ trong vòng 3 năm, bất động sản càng đạt đến mức khiến người ta phải kinh ngạc, tổng giao dịch buôn bán bất động sản của một khu ở Tokyo phải dùng đến đồng đô-la Mỹ để tính toán, vượt xa tổng giá trị bất động sản toàn nước Mỹ thời đó. Hệ thống tài chính của Nhật Bản đã đến bước nguy ngập cận kề.
Nếu không có những âm mưu phá hoại từ bên ngoài thì Nhật Bản cũng có thể giải quyết vấn đề một cách nhẹ nhàng. Tuy nhiên, một điều khiến Nhật Bản không thể nào ngờ đến chính là hành động không tuyên mà chiến của các nhà tài phiệt ngân hàng quốc tế.
Để đánh một đòn chí mạng vào hệ thống tài chính Nhật Bản, các nhà ngân hàng Mỹ đã dùng đến “quả bom tài chính” mà nước Mỹ vừa mới chế tạo ra: Stock Index Putures.
Năm 1982, Sở Giao dịch Chicago của Mỹ là nơi “chế tạo” thành công sớm nhất thứ vũ khí tài chính nguy hiểm với uy lực chưa từng có này. Nó vốn dĩ dùng để tước đoạt công cụ làm ăn của Sở Giao dịch chứng khoán New York. Khi nhà đầu tư yên tâm mua bán chỉ số chứng khoán New York ở Chicago thì không cần phải chi trả tiền hoa hồng cho Sở Giao dịch chứng khoán New York nữa. Chỉ số chứng khoán chẳng qua chỉ là những bản cáo bạch tình hình tài chính của công ty lên sàn sau khi những con số đã được xử lý sạch sẽ, còn hợp đồng tương lai đích thực là canh bạc đánh vào xu thế giá cổ phiếu tương lai của công ty đó dựa trên bản cáo bạch do chính họ cung cấp mà thôi. Trên thực tế, cả bên bán lẫn bên mua đều không nắm bắt được xu thế giá cổ phiếu, và họ cũng không có ý định nắm giữ những cổ phiếu này.
Điều quan trọng trên thị trường cổ phiếu chính là chữ tín. Việc làm khống kỳ hạn giao hàng của chỉ số cổ phiếu trên quy mô lớn tất yếu sẽ dẫn đến sự sụp đổ của thị trường cổ phiếu. Điều này đã được chứng minh một cách hiệu nghiệm trong cơn khủng hoảng của thị trường cổ phiếu New York tháng 10 năm 1987.
Cú đại nhảy vọt của nền kinh tế Nhật Bản trong những năm 80 đã khiến cho người Nhật ít nhiều sinh ra một cảm giác tự cao tự đại. Khi giá cổ phiếu của Nhật Bản tăng cao đến mức không một chuyên gia phương Tây nào có thể lý giải được thì người Nhật vẫn có rất nhiều lý do để tin rằng mình là những kẻ độc nhất vô nhị. Một chuyên gia đầu tư người Mỹ ở Nhật Bản thời đó từng nói rằng: “Ở đây có một thứ niềm tin rằng thị trường chứng khoán Nhật Bản không thể nào trượt giá. Vào các năm 1987, 1988, thậm chí là đến năm 1989 thì niềm tin ấy vẫn không hề thay đổi. Người Nhật cảm thấy có một thứ hàng hóa vô cùng đặc biệt đang tồn tại trên thị trường chứng khoán của họ, thậm chí là tồn tại trong cả dân tộc Nhật Bản. Thứ hàng hóa đặc thù này có thể khiến cho Nhật Bản quay lưng lại với mọi quy luật tồn tại trên thế giới này”.
Trên thị trường cổ phiếu Tokyo, các công ty bảo hiểm đóng một vai trò hết sức quan trọng. Một loạt các ngân hàng đầu tư như Morgan Stalin và anh em nhà Salomon được các ông trùm ngân hàng phái đi làm lực lượng đột kích chủ lực xâm nhập vào thị trường Nhật Bản với mục tiêu nắm giữ một lượng lớn tài sản hay tiền tệ. Hành trang bên cạnh họ là các hợp đồng quyền chọn chỉ số (Stock Index Put Option) - một loại sản phẩm mới chưa từng có ở Nhật Bản khi đó. Các công ty bảo hiểm của Nhật chính là nhóm người có chút hứng thú đối với sản phẩm này mà theo như cách nhìn của họ thì não người Mỹ đã úng thuỷ khi dùng một lượng lớn hiện kim để đi mua khả năng trượt giá của thị trường chứng khoán vốn không thể xảy ra. Kết quả là ngành bảo hiểm Nhật Bản đã tiếp nhận nhanh chóng sản phẩm này. Thứ mà hai bên đánh cược chính là hướng đi của chỉ số kinh tế Nhật, nếu như chỉ số này giảm thì người Mỹ sẽ thắng lớn, còn người Nhật sẽ thua to, và nếu chỉ số này tăng lên thì tình hình sẽ diễn ra ngược lại.
Có thể ngay cả Cục thống kê Nhật Bản cũng không thể nào tính được đã có bao nhiêu hợp đồng tài chính như vậy được ký kết trước khi thị trường trượt giá. Trên một thị trường ngầm, loại “virus tài chính” không ai có thể phát hiện ra hầu như không bị giám sát, cũng chẳng hề phải giấu giếm, chúng được giao dịch giống kiểu giao dịch tại quầy và phát triển với tốc độ chóng mặt trong một bức tranh hư ảo của sự phồn vinh.
Ngày 29 tháng 12 năm 1989, thị trường chứng khoán Nhật Bản đạt đến ngưỡng cao chưa từng có trong lịch sử. Chỉ số Nikkei của Nhật vọt lên mức 38.915 điểm. Cuối cùng, hàng loạt hợp đồng quyền chọn chỉ số chứng khoán đã phát huy uy thế. Chỉ số Nikkei ngừng tăng. Ngày 12 tháng 1 năm 1990, người Mỹ đã sử dụng đến vũ khí sát thủ, sở giao dịch Mỹ đột nhiên tung ra sản phẩm tài chính mới “Hợp đồng Quyền đặt bán chứng khoán ở thời điểm phát hành Nikkei” (Nikkei Put Warrants). “Hợp đồng Quyền chọn chỉ số chứng khoán“ (Stock Index Option) mà công ty Goldman Sachs mua được từ ngành bảo hiểm Nhật Bản được bán lại cho vương quốc Đan Mạch, sau đó vương quốc Đan Mạch lại đem chúng bán lại cho người đặt mua chứng quyền, và thừa nhận là người có đủ khả năng chi trả lợi tức cho “Nikkei Put Warrants“ khi chỉ số kinh tế Nhật đi xuống.
Ở đây, vương quốc Đan Mạch chẳng qua cho công ty Goldman Sachs mượn tiếng của họ, nhưng nó đã tạo nên được sức hút tiêu thụ kinh hồn đối với Quyền chọn chỉ số chứng khoán bình quân Nikkei (Nikkei Stock Average Option) trong tay Goldman Sachs. Chứng quyền này ngay lập tức được bán nóng ở thị trường Mỹ, một lượng lớn các ngân hàng đầu tư Mỹ cũng tranh nhau bán ra, khiến cho thị trường chứng khoán Nhật không thể cưỡng lại, cuối cùng Chứng quyền mua khống chỉ số Nikkei nóng chưa đầy một tháng lên sàn đã sụp đổ hoàn toàn.
Sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Nhật trước hết tác động đến ngành ngân hàng, bảo hiểm và sản xuất của nước này. Những khoản vốn mà Nhật Bản thu hút được từ thị trường chứng khoán với giá rẻ hơn một nửa so với các đối thủ cạnh tranh của Mỹ, đã trở thành quá khứ theo cú sốc của thị trường chứng khoán.
Tính từ năm 1990, nền kinh tế Nhật Bản đã rơi vào thời kỳ suy thoái kéo dài mười mấy năm, thị trường chứng khoán sụt giá 70%, giá bất động sản liên tục rớt trong suốt 14 nằm liền. Trong cuốn “Thất bại tài chính”, tác giả Yoshikawa Mototada cho rằng tỉ lệ tổn thất tài sản về tài chính năm 1990 của Nhật Bản gần như tương đương với thất bại của Nhật trong chiến tranh thế giới thứ hai.
Khi đánh giá về sự thất bại tài chính của Nhật, William Engdahl đã nói như thế này:
Trên thế giới không có một quốc gia nào thành thực và tích cực hơn trong việc ủng hộ chính sách bội chi tài chính và chi tiêu khổng lồ của Mỹ dưới thời Ronald Wilson Reagan hơn Nhật Bản - kẻ thù trước đây của Mỹ. Thậm chí ngay cả nước Đức cũng chưa bao giờ thoả mãn một cách vô điều kiện đối với yêu cầu của Washington. Vậy mà người Nhật lại mua công trái, bất động sản và các tài sản khác của Mỹ một cách trung thành và vô tư, nhưng sự đền đáp cuối cùng mà nước Nhật nhận được lại là một tai họa tài chính có tính chất phá hoại nhất trong lịch sử thế giới.
Mùa hè năm 2006, Paulson - Bộ trưởng Bộ tài chính mới nhậm chức của Mỹ có chuyến công du Trung Quốc.
Khi nghe thấy ông ta “chúc Trung Quốc thành công” một cách nhiệt tình, những người đứng sau không khỏi tỏ ra lạnh nhạt. Không hiểu người tiền nhiệm của ông Beck năm đó khi bắt tay với thủ tướng Nakasokon của Nhật phải chăng cũng đã từng nói những lời tương tự như vậy.




5. Soros: Sát thủ tài chính của Ngân hàng quốc tế.
Lâu nay, báo chí khớp nơi trên thế giới thường khắc họa hình tượng của Soros như một “hiệp sĩ độc hành”, một người hùng tung hoành tự do giữa chốn giang hồ hoặc một “thiên tài tài chính” có cách nghĩ và hành động độc lập.
Những câu chuyện truyền miệng liên quan đến Soros càng khiến cho hình tượng của ông thêm phần huyền bí. Grumman đã từng đùa rằng, nếu đọc ngược lại thì cái tên SOROS quả thật chẳng giống ai.
Vậy có thật Soros là người luôn hành động độc lập, chỉ cần dựa vào linh cảm của mình cũng đủ để khiêu khích ngân hàng Anh, làm rung chuyển đồng mác Đức và khuynh đảo thị trường tài chính châu Á?
Có lẽ chỉ những người có đầu óc đơn giản mới tin vào những câu chuyện truyền kỳ như vậy.
Quỹ tiền tệ lượng tử khuynh đảo thị trường tài chính thế giới do Soros sáng lập ra được đăng ký ở Carucao, nơi được xem là thiên đường trốn thuế ở quần đảo Andreas - thuộc địa của Hà Lan trên biển.
Nhờ đó, ông ta có thể che giấu được tên tuổi nhà đầu tư chủ lực cũng như tình hình làm ăn hay nguồn tiền vốn của Quỹ này. Carucao còn được coi là một trung tâm rửa tiền lớn nhất trên thế giới.
Theo quy định của luật chứng khoán Mỹ, số lượng nhà đầu tư thời lưu (Sophisticate Investors) của Quỹ phòng chống rủi ro (Hedge Fund) không được vượt quá 99 người Mỹ. Soros đã hao tâm tổn huyết đảm bảo trong số 99 nhà giàu siêu cấp này không có người Mỹ nào. Vì Quỹ đối xung cách xa đất liền như vậy, nên thậm chí Soros không nằm trong số các thành viên của Hội đồng quản trị mà chỉ tham gia vào việc vận hành quỹ với tư cách là cố vấn đầu tư. Không chỉ vậy, ông ta còn dùng danh nghĩa của Công ty quản lý quỹ Soros (Soros Fund Management) do bản thân sáng lập nên ở New York để đảm đương chức vụ cố vấn này. Nếu chính phủ Mỹ yêu cầu cung cấp chi tiết về tình hình hoạt động của Quỹ này, ông ta có thể nói rằng bản thân mình chỉ là một cố vấn đầu tư để thoái thác trách nhiệm.
Quỹ Quanta Fund của Soros bao gồm:
 Richard Katz - giám đốc Ngân hàng Rothschild London và là Chủ tịch Ngân hàng Rothschild Italy Milan.  Nils Taube, Giám đốc kiêm cổ đông của St. James Place Capital thuộc tập đoàn ngân hàng London, một thành viên của dòng họ Rothschild.
 William Lord Ress-Mogg, Giám đốc, bình luận viên của tờ London Times, đồng thời là cổ đông của St. James Place Capital trực thuộc dòng họ Rothschild.
 Edgar de Picciotto - nhân vật gây nhiều tranh cãi nhất trong số các ngân hàng tư nhân của Thuỵ Sĩ, người được coi là “nhà tài phiệt ngân hàng thông minh nhất Genève”.
 Tháp tùng Picciotto còn có Edmund Safra - ông chủ Republic Bank of New York, từng bị cơ quan chức năng Mỹ xác nhận có liên quan đến tập đoàn tội phạm của Ngân hàng Matxcơva và bị Thuỵ Sĩ cáo buộc là có liên quan đến các hoạt động rửa tiền của Thổ Nhĩ Kỳ và Columbia.
Trong “nhóm” của Soros còn có Marc Rich - một thương gia nổi tiếng đến từ Thuỵ Sĩ cùng Shaul Eisenberg - nhà buôn vũ khí nổi tiếng người Israel.
Mối quan hệ bí mật giữa Soros với Rothschild khiến cho ông trở thành “con tốt tiên phong” của tập đoàn tài chính hùng mạnh nhất và bí mật nhất trên thế giới này. Dòng họ Rothschild không chỉ đóng vai trò bá chủ thành phố tài chính London, cha đẻ của mạng lưới tình báo quốc tế, hậu đài của năm ngân hàng lớn nhất Phố Wall, dòng họ định đoạt giá vàng thế giới, mà còn giữ vai trò chi phối chủ yếu mọi hoạt động của trục tài chính London - Phố Wall hiện nay. Chẳng ai biết dòng họ này có bao nhiêu tài sản, nhưng khi nhà Rothschild và các nhà tài phiệt ngân hàng quốc tế đánh tiếng khiến cho dư luận thế giới tập trung vào những nhân vật giàu có nhất thế giới như Bill Gates hay ông trùm cổ phiếu Warren Bùffett, khối tài sản khổng lồ của họ - nhiều hơn cả những nhà giàu nhất hành tinh - đang nằm yên trong tài khoản ngoài khơi Thuỵ Sĩ hoặc biển Caribe sẽ đợi thời mà động đậy.
Mối quan hệ của Soros với những bậc tinh anh của Mỹ cũng rất khác thường. Ông ta đã đầu tư 100 triệu đô-la vào tập đoàn Carlyle Group để buôn bán vũ khí. Cổ đông của tập đoàn này bao gồm các nhân vật tên tuổi như Bush-cha, James Beck - cựu Bộ trưởng tài chính Mỹ. Đầu những năm 80, Soros đã cùng với một số chính trị gia quan trọng của Mỹ như cựu Bộ trưởng ngoại giao Brzezinski hay Madeleine Albright để lập ra Quỹ hỗ trợ dân chủ quốc gia (National Endowment for Democracy). Tổ chức này trên thực tế được Cục tình báo trung ương (CIA) và tư nhân hợp vốn lập nên.
Thông qua sự huấn luyện của các nhà tài phiệt ngân hàng quốc tế, ngay từ những năm 90, Soros đã gây ra nhiều bão táp trên thị trường tài chính thế giới. Mỗi một hành động mạnh tay của Soros đều thể hiện ý đồ chiến lược trọng đại của các nhà ngân hàng quốc tế với mục tiêu chính là thúc đẩy khả năng “giải thể có kiểm soát” đối với nền kinh tế của các nước nhằm từng bước hoàn thành công tác chuẩn bỉ cho sự ra đời của hệ thống “chính phủ thế giới” và “tiền tệ thế giới” dưới sự khống chế của trục tài chính London -phố Wall.
Đầu những năm 80, các nhà tài phiệt ngân hàng quốc tế về cơ bản đã thực hiện được việc “giải thể một cách có kiểm soát” đối với nền kinh tế của các quốc gia thuộc châu Mỹ Latin và các nước phát triển ở Bắc Mỹ. Cuối thập niên 80, họ lại tiếp tục khống chế thành công nền tài chính Nhật Bản. Sau đó, họ lại quay hướng về châu Âu - khu vực trọng điểm cần khống chế - với mục tiêu phá hoại nền kinh tế của các nước Đông Âu và Liên Xô.
Soros là người gánh vác sứ mệnh quan trọng này và đóng vai một nhà từ thiện. Ông ta lập ra rất nhiều quỹ hỗ trợ ở Đông Âu và Liên Xô. Các quỹ này được Soros thành lập dựa theo mô hình của “hiệp hội giải phóng xã hội” mà ông ta khởi xướng ở New York với việc đề cao những khái niệm tự do cá nhân. Chẳng hạn, Trường Đại học Trung Âu (Centrai European University) do Soros hỗ trợ đã luôn tìm cách xuyên tạc và nhồi nhét vào đầu thanh niên đang sống trong chế độ xã hội chủ nghĩa rằng, những khái niệm kiểu như quốc gia chủ quyền là sản phẩm của thế lực tàn ác và phản “chủ nghĩa cá nhân”, rằng chủ nghĩa tự do kinh tế là liều thuốc thần diệu, mọi sự phân tích lý tính đối với hiện tượng xã hội đều là sản phẩm của “chủ nghĩa chuyên chế”. Các chủ đề chính được giảng dạy trong trường học này thường mang những nội dung kiểu như “cá nhân và chính phủ”. Đương nhiên, những tư tưởng này đã nhận được sự tán đồng cao độ của Hiệp hội ngoại giao Mỹ.
Gilles d'Aymery - nhà phê bình nổi tiếng của Mỹ - đã miêu tả một cách chính xác bộ mặt thực của Soros cũng như ý đồ thực sự của các tổ chức quốc tế do những kẻ như họ “vô tư” tài trợ:
Đằng sau chiếc mặt nạ hợp pháp và chủ nghĩa nhân đạo, người ta có thể phát hiện ra một nhóm những “nhà từ thiện“ vô cùng giàu có và những tổ chức do họ tài trợ như “Hiệp hội mở cửa xã hội”, Quỹ Ford, Hiệp hội hoà bình Mỹ, Quỹ hỗ trợ dân chủ Mỹ, Tổ chức quan sát nhân quyền, Tổ chức ân xá quốc tế, Tổ chức rủi ro thế giới. Trong số những người này, Soros là kẻ nổi bật nhất. Ông ta giống như một con bạch tuộc khổng lồ vươn những xúc tu dài đến tận Đông Âu, Đông Nam Âu, vùng Ovcharka và các nước cộng hoà thuộc Liên Xô cũ. Dưới sự phối hợp của những tổ chức này, Soros không những có thể nhào nặn mà còn tạo nên những thông tin mới, chương trình nghị sự chung và quan điểm chung nhằm khống chế thế giới và tài nguyên, thôi thúc lý tưởng về một thế giới thống nhất hoàn mỹ do Mỹ tạo nên.
Trong quá trình giải thể của các quốc gia xã hội chủ nghĩa Đông Âu, Soros đã đóng vai trò hết sức quan trọng, có thể nói là không thể cân đo đong đếm được. Ở Ba Lan, Soros đã có công lớn trong việc giúp Công đoàn Đoàn kết Ba Lan giành chính quyền quốc gia, có sức ảnh hưởng trực tiếp đối với ba vị tổng thống đầu tiên của nước Ba Lan mới.
Soros đã cùng Paul Volcker - cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Anno Ruding - Phó chủ tịch Ngân hàng Hoa Kỳ, Jeffrey Sachs - giáo sư Đại học Harvard, bào chế nên “liệu pháp sốc” khiến cho Đông Âu và Liên Xô đồng loạt toi mạng. Chính Soros đã tổng kết liệu pháp này như sau:
Tôi nghĩ cần phải tạo nên một sự thay đổi về thể chế chính trị để dẫn đến sự cải thiện về kinh tế. Ba Lan chính là nơi có thể thử nghiệm được. Tôi đã chuẩn bị một số phương sách cải cách kinh tế rộng khắp, bao gồm ba phần: giám sát tiền tệ, điều chỉnh kết cấu và tổ chức lại các khoản nợ. Tôi cho rằng muốn hoàn thành đồng thời ba mục tiêu này thì cần phải thực hiện tết lừng mục tiêu một. Tôi chủ trương một kiểu hoán đổi nợ với cổ phần ở tầm kinh tế vĩ mô(15).
Việc điều chỉnh kết cấu nền sản xuất cũng giống như việc tiến hành phẫu thuật toàn diện trật tự kinh tế vĩ mô, đồng thời lại khư khư kiểm soát gắt gao nguồn cung ứng tiền tệ. Điều này chẳng khác nào việc bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân nhưng lại từ chối tiếp máu cho họ vậy, và kết cục đương nhiên là nền kinh tế bị sụp đổ hoàn toàn, nền sản xuất suy thoái nghiêm trọng, mức sống của người dân tụt dốc không phanh, các nhà máy công nghiệp đóng cửa hàng loạt công nhân thất nghiệp, sự bất ổn xã hội càng tăng lên.
Lúc này, các ngân hàng quốc tế đem “nợ đổi cổ phiếu” bán đổ bán tháo ra thị trường và ung dung thu mua những tài sản chính yếu của những quốc gia này. Ba Lan, Hungari, Liên bang Nga, Ukraine lần lượt bị cho lên thớt, đến mức nền kinh tế của những quốc gia này 20 năm sau vẫn chưa thể khôi phục hoàn toàn. Điều khác biệt giữa tình hình của các quốc gia Đông Âu so với các quốc gia nhỏ yếu không có sức phản kháng ở châu Phi và châu Mỹ Latin chính là: Liên Xô và Đông Âu đều là các quốc gia có tiềm lực quân sự mạnh đến mức khiến nước Mỹ không thể ngủ yên, vậy mà đành phải bất lực trước cảnh đất nước bị cướp bóc một cách điên cuồng có tổ chức. Điều này quả thực là hiện tượng có một không hai trong lịch sử nhân loại.
Kiểu giết người không dao này của Soros quả thực là điểm đặc biệt của ông ta. Xem ra, để tiêu diệt một quốc gia thì cách làm hiệu quả nhất chính là phải làm sao cho dân chúng ở quốc gia đó trở nên mất niềm tin vào chính phủ hay các nhà lãnh đạo đất nước.




6. Đánh chặn “vòng cung khủng hoảng” của tiền tệ châu Âu
Sau khi đạt được mục tiêu chiến lược “giải thể có kiểm soát” ở Đông Âu và Liên Xô, các nhà tài phiệt ngân hàng quốc tế tiếp tục nhắm vào Đức và Pháp. Hai quốc gia này đóng vai trò chủ chốt ở cựu lục địa châu Âu nhưng lại bị gạt ra khỏi địa vị quyền lực vốn có nên tỏ ra không cam phận.
Không còn chịu ảnh hưởng của Liên Xô hùng mạnh trước kia, các nước này ngay lập tức tính chuyện tạo ra đồng tiền chung châu Âu, qua đó muốn tạo nên sự khác biệt với các thế lực tài chính Anh, Mỹ. Đồng tiền chung châu Âu một khi ra đời chắc chắn sẽ đánh động địa vị bá quyền của đồng đô-la Mỹ. Xung đột tiền tệ giữa trục London - phố Wall với đồng minh Đức - Pháp sẽ ngày càng quyết liệt.
Nguồn cơn của vấn đề chính là sự giải thể của hiệp ước Bretton Woods vào năm 1971 - hiệp ước đã gây ra sự hỗn loạn nghiêm trọng của hệ thống tiền tệ thế giới. Trong khuôn khổ hiệp ước Bretton Woods với chế độ bản vị gián tiếp vàng, tỉ suất hối đoái tiền tệ của các quốc gia chủ yếu trên thế giới hầu như được giữ ở mức ổn định cao độ, nền thương mại và tài chính của các nước cũng khá cân bằng. Bởi các quốc gia bội chi tất yếu sẽ phải mất đi những nguồn tài sản chính yếu của quốc gia cho nên khả năng tín dụng của hệ thống ngân hàng các nước này sẽ suy giảm. Vì thế mà các quốc gia phải ban hành chính sách siết chặt tiền tệ nhằm ngăn chặn những hậu quả xấu khi nền kinh tế thì rơi vào tình trạng suy thoái. Lúc này, nhu cầu tiêu dùng tất nhiên sẽ phải giảm, và như vậy, nhu cầu nhập khẩu cũng phải giảm theo, kết quả là thâm hụt thương mại chấm dứt. Khi người dân bắt đầu tích luỹ thì tư bản của ngân hàng cũng bắt đầu gia tăng, quy mô sản xuất được mở rộng, hiện tượng xuất siêu manh nha, tổng tài sản xã hội tăng.
Hệ thống khống chế ưu việt này đã được chứng nghiệm nhiều lần qua thực tiễn xã hội từ năm 1971 trở về trước, khi gốc rễ của việc thâm hụt mậu dịch không đất bám trụ, đối xung rủi ro tiền tệ hầu như là điều không cần thiết, công cụ phái sinh tài chính có điều kiện để tồn tại. Trong khuôn khổ tiền tệ theo bản vị vàng, mọi quốc gia đều cần phải làm việc một cách chăm chỉ và khắc khổ để tích luỹ của cải, và đây cũng chính là nguyên nhân căn bản khiến cho các nhà ngân hàng quốc tế ghét vàng.
Khi không được bảo đảm bằng vàng, hệ thống tiền tệ quốc tế trở nên hỗn loạn. Nhờ nhu cầu đối với đồng đô-la Mỹ từ sau “khủng hoảng dầu mỏ” nhân tạo cộng với chính sách lãi suất cao của chính phủ Mỹ bắt đầu từ năm 1979, đồng đô-la Mỹ mới dần dần lấy lại được vị thế của mình. Đồng đô-la Mỹ được xem là đồng tiền tích luỹ của các nước trên thế giới nhưng giá trị của nó lại lên xuống thất thường. Trong khi quyền thao túng đồng tiền này lại hoàn toàn nằm trong tay trục London - phố Wall, các quốc gia châu Âu bị ép buộc phải chịu cảnh qua sông luỵ đò cảm thấy trong lòng hết sức cay đắng. Vì vậy, cuối thập niên 70, Helmut Schmidt - Bộ trưởng tài chính Đức đã tìm đến Giscard d’Estaing - tổng thống Pháp - để thương lượng về việc xây dựng một hệ thống tiền tệ châu Âu (European Monetary System) nhằm giải quyết vấn đề bất ổn trong hối đoái trong mậu dịch giữa các nước châu Âu - vấn đề đang khiến người ta đau đầu bấy lâu nay.
Năm 1979, hệ thống tiền tệ châu Âu bắt đầu chuyển động và đem lại hiệu quả rất tốt. Các quốc gia châu Âu chưa gia nhập hệ thống này thì nô nức bày tỏ hứng thú muốn tham gia vào hệ thống này. Mối lo lắng rằng trong tương lai, hệ thống này có thể biến thành chế độ tiền tệ thống nhất của châu Âu bắt đầu tác động một cách mạnh mẽ đến những nhân vật cốt cán của trục London - phố Wall.
Điều khiến cho người ta bất an hơn là bắt đầu từ năm 1977, Đức và Pháp đã bắt đầu nhúng tay vào vụ OPEC. Họ lên kế hoạch cung cấp những sản phẩm kỹ thuật cao cho các nước xuất khẩu dầu mỏ và giúp các nước này thực hiện công cuộc công nghiệp hoá, xem như đó là điều kiện trao đổi.
Các quốc gia A-rập đảm bảo nguồn cung ứng dầu mỏ ổn định trong thời gian dài cho các nước Tây Âu đồng thời đem các khoản thu từ xuất khẩu dầu mỏ sang châu Âu gửi vào hệ thống ngân hàng của châu lục này. Ngay từ đầu, Anh đã kiên quyết phản đối kế hoạch gây dựng hệ thống tiền tệ mới của Đức và Pháp. Sau khi mọi nỗ lực ngăn cản đều bị thất bại, họ đã từ chối tham gia vào hệ thống tiền tệ này.
Nước Đức thời đó còn có một mưu đồ lớn hơn nữa - hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước để trở thành một quốc gia hùng mạnh chủ đạo của châu Âu. Vì mục đích này, Đức đã bắt đầu chủ động xích lại gần Liên Xô, duy trì mối quan hệ hợp tác nồng ấm và đôi bên cùng có lợi với nước này.
Để đối phó với ý đồ của Đức - Pháp, các chiến lược gia của London - phố Wall đã đề ra lý thuyết “vòng cung khủng hoảng”. Vấn đề trọng tâm của lý thuyết này chính là việc kích động các thế lực Hồi giáo cấp tiến ở Iran, gây nên những bất ổn ở khu vực Trung Đông vốn được xem là mỏ dầu của thế giới. ảnh hưởng của những hoạt động phá hoại này thậm chí có thể lan đến tận khu vực Hồi giáo thuộc miền nam Liên Xô. Kế hoạch này vừa tấn công vào viễn cảnh hợp tác tốt đẹp giữa châu Âu và Trung Đông, vừa ngăn cản bước tiến của hệ thống tiền tệ chung châu Âu, khống chế Liên Xô đồng thời chuẩn bị cho quân đội Mỹ xâm nhập vào khu vực Vùng Vịnh sau này. Quả thực, một mũi tên có thể giết chết ba con nhạn.
Brzezinski - cố vấn an ninh quốc gia và Vance - Bộ trưởng ngoại giao đã xử lý sự việc rất nhịp nhàng và hiệu quả. Tình thế ở Trung Đông đang trở nên rắc rối nghiêm trọng. Năm 1979, cuộc cách mạng ở Iran bùng phát, cuộc khủng hoảng dầu mỏ thế giới lần thứ hai nổ ra. Thực ra, về bản chất, thế giới chưa từng có chuyện thiếu hụt nguồn cung dầu mỏ. Việc thiếu 3 triệu thùng dầu mỗi ngày do Iran cắt giảm sản lượng hoàn toàn có thể được thay thế bằng sản lượng dầu bổ xung của A-rập Saudi và Kuwait dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Mỹ. Các trùm tài chính và dầu mỏ của London và phố Wall đã thả nổi giá dầu với mục đích kích thích nhu cầu của thế giới đối với đồng đô-la Mỹ. Các đại gia ngân hàng vừa thao túng nền công nghiệp sản xuất dầu, vừa kiểm soát việc phát hành đồng đô-la Mỹ. Và một khi họ đã ra chiêu thì thế giới làm sao tránh khỏi vòng kiềm toả?
Một trò khác của Brzezinski chính là chiêu đánh “con bài Trung Quốc”. Tháng 12-1978, nước Mỹ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, tán thành việc quốc gia đất rộng người đông này gia nhập trở lại Liên Hiệp Quốc. Hành động này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến Liên Xô. Liên Xô lập tức cảm thấy xung quanh mình tứ phương đều có địch, phía Đông có khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), phía tây có Trung Quốc, phía Nam lại có “vòng cung khủng hoảng”. Liên Xô như chợt giật mình bừng tỉnh và cắt đứt ngay mối quan hệ vốn dĩ mong manh với Đức.
Tháng 11 năm 1989, bức tường Berlin sụp đổ, khi người Đức ăn mừng sự thống nhất đất nước thì phố Wall lại có một cảm nhận riêng. Các nhà kinh tế học Mỹ đã bình luận thế này:
Quả thực, khi viết về lịch sử nền tài chính thập niên 90 của thế kỷ 20, các nhà phân tích có thể sẽ coi vụ sụp đổ bức tường Berlin kinh khủng hơn cả cơn địa chấn tài chính Nhật Bản. Sự sụp đổ của bức tường này đồng nghĩa với việc hàng trăm tỉ đô-la Mỹ sẽ chảy về phía Đông - khu vực mà hơn sáu mươi năm nay chẳng đóng vai trò gì trên thị trường tài chính thế giới.
Trong những năm gần đây, Đức không phải là quốc gia đầu tư nước ngoài chủ yếu của Mỹ. Vai trò này thuộc về Anh từ năm 1987 đến nay; tuy nhiên, điều mà người Mỹ không thể quên là, nếu không có được sự tích luỹ lớn của Đức, nước Anh không thể tiến hành đầu tư quy mô như vậy đối với Mỹ(.
London cảm nhận được điều này một cách rõ nét. Các chiến lược gia của bà Thatcher thậm chí còn hô hoán rằng “Đức là đế quốc thứ tư”. Vào ngày 22 tháng 7 năm 1990, tờ Sunday Times đã bình luận như thế này:
Chúng ta hãy giả sử rằng sau khi thống nhất, Đức sẽ trở thành một người khổng lồ lương thiện, vậy thì tình hình sẽ ra sao? Giả sử việc Đức thống nhất sẽ khiến cho nước Nga cũng trở thành một người khổng lồ lương thiện, vày thì tình hình sẽ thế nào? Trên thực tế, sức ép từ sự lớn mạnh của nước Đức sẽ càng lớn hơn. Cho dù một nước Đức thống nhất có quyết tâm tiến hành cạnh tranh theo quy tắc của chúng ta thì trên thế giới này ai có thể ngăn cản hữu hiệu việc nước Đức đoạt lấy quyền bính của chúng ta?
Mùa hè năm 1990, Anh thành lập một cơ quan tình báo mới với mục tiêu tăng cường mở rộng hoạt động tình báo đối với Đức. Chuyên gia tình báo của Anh đã cương quyết đề nghị đồng minh Mỹ phải tuyển mộ nhân viên trong số các nhân viên tình báo cũ của Đông Đức nhằm tạo nên mạng lưới tình báo Mỹ ở Đức.
Do tỏ ý cảm kích đối với việc Liên bang Nga ủng hộ thống nhất nước Đức nên Đức đã quyết tâm giúp đỡ Liên bang Nga xây dựng lại nền kinh tế đang kiệt quệ. Bộ trưởng tài chính Đức hình dung về một viễn cảnh tốt đẹp của châu Âu mới trong tương lai: một con đường sắt hiện đại hóa nối liền Paris, Hannover, Berlin, Warsaw và Maxcơva; một hệ thống tiền tệ chung, nền kinh tế phồn vinh, hội nhập với nhau, châu Âu cũng sẽ không còn lửa chiến tranh và mùi thuốc súng nữa, tất cả các quốc gia châu Âu chỉ có một tương lai đẹp như trong mộng ảo. Tuy nhiên, đối với các nhà tài phiệt ngân hàng quốc tế thì điều này
không phải là mộng tưởng. Điều mà họ quan tâm là làm thế nào để hạ gục đồng mác Đức, đánh bại ý tưởng về đồng tiền chung châu Âu đang manh nha hình thành đồng thời cản trở công cuộc tái thiết của nước Đức. Đây là bối cảnh chính khi Soros đánh chặn đồng bảng Anh và đồng lia Ý dưới sự sắp đặt của London - phố Wall vào đầu thập niên 90.
Năm 1990, chính phủ Anh bất chấp sự phản đối của London, ngang nhiên gia nhập vào hệ thống hối đoái tiền tệ châu Âu (ERM). Vì nhận thấy hệ thống đồng tiền châu Âu đang dần dần thành hình có thể trở thành mối họa tiềm ẩn cho trục tài chính Lon đon - phố Wall, các nhà tài phiệt ngân hàng quốc tế đã lập kế hoạch để phá hoại hệ thống tiền tệ non trẻ này.
Năm 1990, bức tường Berlin sụp đổ, nước Đức thống nhất. Những khoản chi tiêu khổng lồ theo đó mà kéo đến và trở thành điều không thể ngờ tới. Nhằm đối phó với áp lực lạm phát tiền tệ, Ngân hàng trung ương Đức đành phải nâng cao lãi suất của đồng mác. Cùng năm đó, Anh gia nhập Hệ thống hối đoái tiền tệ châu Âu (ERM) và cũng gặp không ít khó khăn về kinh tế với tỉ lệ lạm phát cao gấp ba lần so với Đức lãi suất tăng đến 15%, nền kinh tế bong bóng những năm 80 đang cận kề nguy cơ bị nổ tung.
Đến năm 1992, ở Ý và Anh xuất hiện hiện tượng thâm hụt mậu dịch song phương. Nhà đầu cơ Soros đã nhắm trúng thời điểm để phát động cuộc tổng tấn công vào thị trường tài chính ngày 16 tháng 9 năm 1992, bán tháo cổ phiếu với tổng giá trị lên đến 10 tỉ đô-la Mỹ. Đến 7 giờ tối, Anh tuyên bố đầu hàng, và Soros kiếm được 1,1 tỉ đô-la Mỹ đồng thời hất văng đồng bảng Anh và đồng lia ra khỏi hệ thống hối đoái châu Âu. Ngay sau đó, Soros tấn công vào đồng francs Pháp và mác Đức, tuy nhiên, trong canh bạc trị giá lên đến 40 tỉ đô-la Mỹ lần này, đó không phải là điều dễ dàng đạt được. Như vậy, có thể thấy rằng, các ông trùm tài chính hùng mạnh là những kẻ hỗ trợ cho Soros trong cuộc tổng công kích vào hệ thống các đồng tiền châu Âu này.




7. Cuộc chiến tiền tệ ở châu Á
Đầu những năm 90 của thế kỷ 20, trục tài chính London - phố Wall trên chiến tuyến phía đông đã chặn được thế tiến công của nền kinh tế Nhật Bản. Còn trên chiến tuyến phía tây, trục tài chính này đã đánh bại được nền kinh tế Đông Âu và Liên Xô. Giấc mộng về một hệ thống tiền tệ thống nhất châu Âu của Đức và Pháp cũng theo sự phá bĩnh của Soros mà tạm thời bị gác lại, trong khi châu Phi và châu Mỹ Latin chẳng khác nào cá nằm trên thớt. Các nhà ngân hàng quốc tế đắc chí hả hê. Riêng “mô hình kinh tế châu Á” của khu vực Đông Nam Á đang ngày càng phát triển lại là điều khiến cho họ cay cú.
Chính phủ các nước trong khu vực này theo đuổi mô hình phát triển với đặc điểm nổi bật là lấy phát triển kinh tế làm mục tiêu chính, tập trung nguồn lực quốc gia để đột phá vào những lĩnh vực có tính chất trọng yếu, coi trọng đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao tích luỹ của người dân. Bắt đầu từ những năm 70, nền kinh tế của các nước trong khu vực Đông Nam Á đã phát triển nhanh chóng, và kết quả là, các nước này bước vào thời kỳ phồn thịnh chưa từng có, đời sống của người dân ngây một nâng cao, trình độ giáo dục bình quân tăng cao ổn định, chỉ số phân hóa giàu nghèo được giảm thiểu nhanh chóng. Mô hình phát triển này hoàn toàn đi ngược với mô hình “kinh tế thị trường tự do” mà “nhận thức chung Washington” (Washington Consensus) đã ra sức ủng hộ, và đang ngày càng lôi kéo được sự chú ý của các quốc gia đang phát triển khác, gây cản trở nghiêm trọng đến phương châm chiến lược cơ bản “giải thể có kiểm soát” do các nhà ngân hàng quốc tế đã hoạch định.
Mục tiêu chiến lược mà các nhà ngân hàng quốc tế muốn đạt được khi phát động cuộc chiến bóp chết tiền tệ châu Á chính là: đập tan “mô hình phát triển châu Á“ khiến cho đồng tiền châu Á rớt giá nghiêm trọng so với đồng đô-la Mỹ, giảm giá hàng nhập khẩu từ Mỹ nhằm thao túng nạn lạm phát tiền tệ, bán tống bán tháo các tài sản chủ chốt của các quốc gia châu Á cho các công ty Âu - Mỹ, đẩy nhanh tiến độ “giải thể có kiểm soát”. Thêm vào đó, các nhà ngân hàng quốc tế còn đặt ra một mục tiêu khác hết sức quan trọng: kích thích nhu cầu của các quốc gia châu Á đối với đồng đô-la Mỹ. Đối với các quốc gia châu Á đã trải qua cơn khủng hoảng tài chính, việc dự trữ đồng đô-la Mỹ có thể được coi là “bảo vật vô giá” trong tay.
Tháng 12 năm 1994, trong cuốn “Sự kỳ diệu của kỳ tích châu Á“ được đăng trên Foreign Affairs, Grumman đã dự báo rằng, nền kinh tế châu Á ắt sẽ gặp phải một rào cản lớn. Những quan điểm mà tác phẩm chỉ ra như đầu tư nâng cao năng suất sản xuất (đầu tư chiều sâu) của các nước châu Á vẫn còn chưa phổ biến. Nếu chỉ dựa vào việc mở rộng quy mô sản xuất (đầu tư chiều rộng) thì cuối cùng, các nước châu Á sẽ gặp phải giới hạn. Đương nhiên, những quan điểm này đều hợp lý. Tuy nhiên, các quốc gia châu Á đều gặp khó khăn khi bắt đầu công cuộc đầu tư này và chìa khóa cho sự phát triển nằm ở chỗ phải làm thế nào để vận dụng một cách phù hợp nhất với từng nơi nhằm tạo ra bàn đạp phát triển. Bản thân những vấn đề này cũng là hiện tượng tự nhiên xuất hiện trong tình hình phát triển của các quốc gia này và hoàn toàn có thể được giải quyết một cách tốt đẹp trong quá trình phát triển. Nếu nhìn từ góc độ văn chương thì có thể thấy rằng, cuốn sách của Grumman chẳng khác nào phát đạn báo hiệu cho cuộc chiến bóp chết tiền tệ châu Á.
Mục tiêu đầu tiên của các nhà ngân hàng quốc tế là làm thế nào ra đòn huỷ diệt đối với Thái Lan.
Trong một bài trả lời phỏng vấn của tạp chí Times, Soros - vị tướng chỉ huy trận chiến huỷ diệt nền kinh tế của đất nước Chùa Vàng - đã nói rằng: “Chúng tôi như một bầy sói đứng trên sườn núi cao nhìn xuống bầy nai tơ. Nếu nói nền kinh tế Thái Lan giống như một con hổ nhỏ của châu Á thì thà nói rằng, nó giống với một con thú săn bị thương. Chúng tôi chọn con mồi yếu ớt để đi săn chính là để bảo đảm cho cả bầy nai tơ được an toàn và khỏe mạnh”.
Từ năm 1994, do ảnh hưởng từ sự mất giá của đồng nhân dân tệ và đồng yên, ngành xuất khẩu của Thái Lan đã trở nên suy yếu. Đồng bath Thái xưa nay vẫn gắn chặt với đồng đô-la Mỹ nay lại bị đồng đô-la Mỹ mạnh hơn lấn át và tạo ra khủng hoảng. Cùng với sự sụt giảm trong xuất khẩu, một lượng lớn tiền đầu tư nóng từ nước ngoài chảy vào và không ngừng đẩy giá thị trường chứng khoán, bất động sản lên cao. Lúc này, dự trữ ngoại hối của Thái tuy có hơn 38 tỉ đô-la, nhưng tổng nợ nước ngoài đã lên đến 106 tỉ đô-la kể từ năm 1996. Nguồn vốn ròng chảy ra nước ngoài của Thái đã bằng 8% GDP của nước này. Để đối phó với nạn lạm phát tiền tệ, ngân hàng Thái Lan buộc phải nâng lãi suất đồng bath lên khiến cho đất nước này đã khó khăn vì nợ nần nay lại càng thêm kiệt quệ.
Thái Lan chỉ còn một lối thoát duy nhất - ngay lập tức chủ động giảm giá đồng bath xuống. Các nhà ngân hàng quốc tế tính toán rằng, vì các khoản nợ của Thái đều bằng đồng đô-la Mỹ nên khi đồng đô-la tăng giá, dự trữ ngoại hối của nước này sẽ giảm xuống khoảng 10 tỉ đô-la. Như vậy, đó sẽ là một tổn thất lớn đối với Thái Lan. Các ông trùm tài chính nhận định rằng, chắc chắn chính phủ Thái Lan sẽ phải bảo vệ đồng bath bằng mọi giá chứ không bó tay chịu chết.
Diễn tiến tình hình sau đó quả nhiên đã chứng minh rằng, sự phán đoán của các ông trùm tài chính này là hết sức chính xác. Tuy nhiên, tình hình của Thái Lan lúc này khác với Nhật thời trước. Nhật Bản là quốc gia có thực lực tài chính và tích luỹ ngoại hối cực kỳ hùng hậu, nếu trực tiếp tấn công vào tiền tệ của Nhật Bản thì chẳng khác nào lấy trứng chọi đá, vì thế các nhà ngân hàng quốc tế đã dùng công cụ phái sinh tài chính mới hay cách dành “cự ly xa” và “vượt tầm nhìn” không gian để làm vũ khí. Hiệu quả của cách đánh ấy chẳng khác nào chiến thuật dùng hàng không mẫu hạm mới để đối phó với tàu chiến trong thời kỳ chiến tranh thế giới thứ hai, khiến cho uy lực pháo hạm hùng mạnh của tàu chiến cỡ lớn của Nhật Bản không thể phát huy được mà phải vùi thân đáy biển. Trong tình thế chênh lệch về lực lượng, Thái Lan phải quyết chiến đến cùng và bộc lộ ý đồ chiến lược, hơn nữa lại tỏ rõ sự thiếu linh hoạt và bất ngờ trong chiến thuật nên thất bại là điều không thể tránh khỏi.
Trong chiến dịch đối phó với Thái Lan và các quốc gia Đông Nam Á khác, các sát thủ tài chính chủ yếu nhắm vào hệ thống tiền tệ của các quốc gia này. Thông qua hợp đồng kết toán bằng đồng tiền của các nước trong khu vực và hợp đồng kỳ hạn chỉ số cổ phiếu để tạo nên thế gọng kìm, chỉ trong vòng 6 tháng ngắn ngủi, họ đã quét sạch khu vực Đông Nam Á và Hàn Quốc.
Sau khi thất bại toàn diện trong cuộc đối đầu với các sát thủ kinh tế, Thái Lan lại chủ động lao đầu vào cái thòng lọng giăng sẵn của IMF. Vì tin tưởng mù quáng đối với “tổ chức quốc tế”, Thái Lan đã dễ dàng đem vận mệnh quốc gia giao cho người ngoài quyết định, một lần nữa phạm sai lầm chết người.
Những món nợ nước ngoài kếch xù là nguyên nhân chủ yếu khiến cho các quốc gia đang phát triển rơi vào khủng hoảng. Đạo lý của việc trị quốc và trị gia thực sự giống nhau, mắc nợ nhiều thì tất yếu sẽ dẫn đến sự suy nhược của tình hình sức khỏe nền kinh tế. Trong khi môi trường tài chính bên ngoài không được khống chế hoàn toàn thì việc sinh tồn được hay không chỉ có thể dựa vào sự may mắn. Trong khi các nhà ngân hàng quốc tế đang thao túng hướng đi địa chính trị quốc tế khiến cho môi trường tài chính mới đầu có vẻ đáng tin cậy và làm tăng gánh nặng nợ nần cho các quốc gia đang phát triển lên rất nhiều lần, các sát thủ tài chính lại thừa thế phát động các cuộc tấn công với xác suất thắng lợi hết sức lớn.
Việc không ý thức rủi ro, đặc biệt không có tâm lý chuẩn bị để đối mặt với những cuộc chiến không tuyên mà chiến vốn khốc liệt và vô hình có thể xảy ra với các thế lực London - phố Wall chính là nguyên nhân quan trọng thứ hai dẫn đến sự thất bại về tài chính của Thái Lan.
Khả năng phán đoán sai hướng tấn công của đối thủ để rồi trúng đòn của các sát thủ tài chính và sau đó bị IMF bóc lột thảm hại chính là thất bại kép của Thái Lan: Các nước khác ở khu vực Đông Nam Á đều lặp lại vết xe đổ của Thái Lan.
Dưới sự phối hợp chặt chẽ của các tập đoàn ngân hàng danh tiếng như ngân hàng Hoa Kỳ, Công ty Goldman Sachs bắt đầu vào trận săn mồi. Các con mồi “bị thương“ được giao ngay cho Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) để quỹ này giết mổ, trong khi các công ty Âu - Mỹ đang thèm nhỏ dãi tề tựu đông đủ chờ lệnh xông vào xỉa mồi. Nếu việc “xẻ thịt” các công ty mua được rồi bán lại cho các nhà tài phiệt ngân hàng đầu tư khác có thể mang lại nhiều tỉ đô-la Mỹ thì việc hạ gục và phát mãi những tài sản trọng yếu của một quốc gia có chủ quyền ít nhất cũng có thể cho người ta cơ hội kiếm được gấp mười lần như thế, thậm chí là hàng trăm lần chưa biết chừng.
Nếu có ý muốn thành lập một “Quỹ châu Á“ của riêng mình để cứu trợ khẩn cấp cho các quốc gia trong khu vực đang lâm vào cảnh khó khăn, đương nhiên các quốc gia châu Á sẽ vấp phải sự phản đối đồng loạt của các quốc gia phương Tây. Talbot - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ đã nói: “chúng tôi cho rằng, một cơ cấu thích hợp để giải quyết những vấn đề như thế này phải là tổ chức có tầm vóc vượt ra khỏi khu vực và mang tầm quốc tế chứ không phải là công việc của một tổ chức có tính khu vực mới được thành lập, bởi vì bản thân vấn đề này ảnh hưởng rất sâu sắc và lâu dài, vượt ra khỏi phạm vi lãnh thổ của Thái Lan cũng như Đông Nam Á”.
Khi đọc lời chào mừng Hiệp hội Nhật Bản ở New York, Summers - Bộ trưởng tài chính Mỹ - đã cho rằng, “quan niệm dùng tổ chức tiền tệ khu vực để giải quyết khó khăn trong khủng hoảng có thể tạo ra những nguy cơ rủi ro. Cách làm này sẽ giảm thiểu nguồn vốn có thể dùng để ứng phó với khủng hoảng tương lai đồng thời sẽ làm suy yếu khả năng ứng phó với cuộc khủng hoảng vượt tầm châu lục. Đây chính là nguyên nhân quan trọng chiến chúng tôi cho rằng Quỹ tiền tệ quốc tế cần phải đóng vai trò trung tâm”.
Fisher - Phó chủ tịch thứ nhất Quỹ tiền tệ quốc tế - cảnh báo rằng, quỹ khu vực không thể tổ chức giống như Quỹ tiền tệ quốc tế, đồng thời nghiêm khắc yêu cầu các quốc gia hữu quan phải thực hiện cải cách kinh tế tổng thể để đổi lấy viện trợ. Fisher nói: “Chúng tôi không cho rằng, việc thiết lập một quỹ khổng lồ hoặc cơ cấu dài hạn đưa ra các điều kiện khác nhau sẽ có ích đối với quốc tế”.
Nhật Bản vốn dĩ là nước khởi xướng tích cực “Quỹ châu Á” nhưng dưới áp lực của London - phố Wall thì không thể không phục tùng. Bộ trưởng tài chính Nhật Sanshuhaku bày tỏ, “Quỹ tiền tệ quốc tế nhất quán sẽ đóng vai trò hạt nhân, phát huy và bảo vệ ổn định tài chính toàn cầu trong cơ cấu tài chính quốc tế.
Quỹ này do các quốc gia châu Á kiến nghị thành lập, sẽ được xem là một cơ cấu bổ trợ cho quỹ tiền tệ quốc tế”. Một khái niệm mới do Tokyo đề xuất chính là việc xây dựng một quỹ không có tiền vốn. Theo như khái niệm mới của Tokyo thì đây là một cơ cấu với tính chất hỗ trợ với một tốc độ rất nhanh, có kế hoạch điều động nguồn vốn từ trước để chi viện cho không đồng tiền nào bị nhà đầu cơ quốc tế tấn công.
Khi được đề xuất tại hội nghị thường niên của Ngân hàng thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế tổ chức tại Hồng Kông, kiến nghị thiết lập Quỹ châu Á này lập tức đã tạo nên một sự cảnh giác cao độ cho Mỹ và các quốc gia phương Tây. Họ lo rằng, kiến nghị trên sẽ phá vỡ nhiệm vụ của Quỹ tiền tệ quốc tế.
Cuối cùng, thủ tướng Nhật Bản Hashimoto Ryutaro chỉ có thể bày tỏ, “Chúng tôi không tự cao tự đại đến mức cho rằng mình là quốc gia đầu tàu có đủ sức khôi phục hoàn toàn nền kinh tế khu vực châu Á. Tuy nhiên, Nhật Bản đã chi viện cho một số quốc gia châu Á và sẽ tiếp tục làm như vậy, nhưng không thể đảm nhận vai trò đầu tàu để kéo châu Á thoát ra khỏi vũng lầy kinh tế”.
Phó thủ tướng Singapore Lý Hiển Long khi nhắc đến Quỹ châu Á đã cho rằng, nếu vì thay thế vai trò của Quỹ tiền tệ quốc tế mà phải thành lập Quỹ châu Á thì sẽ có “rủi ro về đạo đức”.
Các quốc gia châu Á xây dựng quỹ của riêng mình để tiện giúp đỡ lẫn nhau trong cơn nguy nan - một việc vốn dĩ hết sức tốt đẹp. Tuy nhiên, họ lại gặp phải sự phản đối kịch liệt của trục tài chính London -phố Wall. Nhật Bản vốn được xem là nền kinh tế lớn nhất trong khu vực, nhưng lại bị các nhà ngân hàng khống chế nên thiếu sự quyết đoán và lòng can đảm tối thiểu để giúp các nhà lãnh đạo kinh tế châu Á thoát khỏi khó khăn. Điều này không khỏi khiến cho các nước Đông Nam Á đang rơi vào cảnh tuyệt vọng cảm thấy càng thất vọng hơn. Nhưng điều khiến người ta khó nghĩ nhất chính là quan điểm của Singapore. Việc cho mình và các nước láng giềng của mình cái quyền quyết định giúp đỡ lẫn nhau trong tình huống khó khăn sao lại có thể gây ra “rủi ro đạo đức“ và đó là “đạo đức“ của ai?
Thủ tướng Malaysia Mahathir là nhà lãnh đạo ở châu Á có cái nhìn tương đối thấu suốt đối với bản chất thực của khủng hoảng. Ông cho rằng: “Chúng ta hoàn toàn chẳng biết được nguồn gốc tiền bạc của họ, cũng chẳng biết rốt cuộc ai đang tiến hành giao dịch, càng không thể biết được sau lưng họ còn có ai?
Chúng ta có biết được rằng sau khi kiếm được tiền thì họ có đóng thuế hay không? Và những khoản thuế này được nộp cho ai? Chúng ta có biết được ai là kẻ đang đứng sau lưng họ?” Ông cho rằng, với chế độ giao dịch tiền tệ trước mắt, chẳng ai biết được liệu nguồn tiền này có chính đáng hay không, hay là sản phẩm của nạn rửa tiền? “Bởi chẳng có ai dám hỏi, mà cũng chẳng thể kiểm tra được”. Chỉ cần những người này phát động tấn công vào bất cứ quốc gia nào, thì lượng tiền không thể đếm xuể của họ sẽ ào ạt chảy vào quốc gia đó. Bất luận là thị trường tiền tệ, hàng hóa kỳ hạn hay là giao dịch chứng khoán, đều phải được tiến hành dưới cơ chế hợp lý, “vì vậy chúng ta cần phải kiểm soát giao dịch tiền tệ, khiến cho nó trở nên minh bạch hơn”.
Ngay tức khắc, Mahathir đã gặp phải búa rìu dư luận phương Tây. Câu hỏi gay gắt của Mahathir có lẽ không phù hợp lắm để phát biểu trong cuộc họp mang tính ngoại giao, tuy nhiên, ông đã đưa ra câu hỏi một cách đích xác về vấn đề mà mọi người dân châu Á đều nghi hoặc.
Hàn Quốc - một đồng minh thân cận của Mỹ trong thời kỳ chiến tranh lạnh - sau khi bị cơn bão tài chính quét qua, đã chìa tay về phía Mỹ xin viện trợ nhưng lại không ngờ tại sao nước Mỹ dứt khoát từ chối và nhanh chóng thay đổi đến vậy. Trong con mắt của các nhà ngân hàng quốc tế, mối quan hệ thân thiết giữa Mỹ với Hàn Quốc đã trở thành mớ xương tàn còn sót lại của cuộc chiến tranh lạnh. Chính phủ Mỹ đã tranh cãi kịch liệt về vấn đề này, và theo ý kiến của Bộ trưởng Bộ ngoại giao Madeleine Albright cũng như cố vấn an ninh quốc gia thì Mỹ phải chìa tay ra để cứu vớt người anh em, trong khi Bộ tài chính đại diện cho phố Wall thì cực lực phản đối, thậm chí còn chỉ trích Madeleine Albright chẳng hiểu mô tê gì về kinh tế học. Cuối cùng, Clinton đã phải tuân theo quan điểm của Bộ tài chính.
Theo Bộ trưởng tài chính Rubin, cuộc khủng hoảng này chính là thời cơ tốt nhất để Mỹ đạp toang cánh cửa kinh tế của Hàn Quốc. Ông ta đã ra lệnh cho Quỹ tiền tệ quốc tế phải thực thi các biện pháp hà khắc hơn so với trước đây để đối đãi với đồng minh cũ đang xin viện trợ này. Dưới sức ép của Bộ tài chính Mỹ, IMF đã nâng các điều kiện đối với vấn đề “viện trợ”, bao gồm việc Hàn Quốc phải lập tức giải quyết các điều kiện có lợi đối với Mỹ và mọi tranh chấp thương mại với phía Mỹ. Người dân Hàn Quốc đã phẫn nộ chỉ trích các điều kiện khắt khe này, vì Mỹ và IMF luôn sẵn sàng đưa ra cho Hàn Quốc các điều kiện bất hợp lý, Joseph E. Stiglitz - nhà kinh tế học hàng đầu của Ngân hàng thế giới - cho rằng, việc Hàn Quốc rơi vào khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ khi Bộ tài chính Mỹ thúc bách Hàn Quốc tiến hành mở cửa thị trường tư bản tài chính toàn diện và nhanh chóng. Với vai trò là cố vấn kinh tế hàng đầu của Clinton,
Joseph E. Stiglitz đã kiên quyết phản đối kiểu hành vi thô lỗ này, ông cho rằng kiểu mở cửa này chẳng đem lại lợi ích an toàn nào cho nước Mỹ mà chỉ có lợi cho các nhà ngân hàng của phố Wall mà thôi. Chính phủ Hàn Quốc trong tình thế bức bách đã phải chấp nhận rất nhiều điều kiện hà khắc của Mỹ, cho phép Mỹ xây dựng các chi nhánh ngân hàng, công ty nước ngoài có thể nắm giữ từ 26% đến 50% cổ phiếu của công ty Hàn Quốc lên sàn, người nước ngoài có thể nắm giữ từ 7% đến 50% cổ phần trong các công ty của nước này. Các công ty của Hàn Quốc cần phải sử đụng nguyên tắc kế toán quốc tế, cơ cấu tài chính cần phải chấp nhận sự thẩm tra nghiệp vụ kế toán quốc tế ngân hàng trung ương Hàn Quốc cần phải vận hành độc lập hối đoái tiền tệ theo công thức tư bản, minh bạch hóa tiến trình cho phép nhập khẩu, giám sát cơ cấu công ty, cải cách thị trường lao động. Các nhà ngân hàng Mỹ thèm nhỏ dãi trước các doanh nghiệp Hàn Quốc. Chỉ đợi Hàn Quốc đặt bút ký vào bản thoả thuận, họ sẵn sàng đạp lên nhau để xâu xé con mồi săn đã đuối sức.
Thế nhưng, các nhà tài phiệt ngân hàng quốc tế đã quá xem nhẹ sự mạnh mẽ và ý thức dân tộc của người Hàn. Một quốc gia có được ý thức dân tộc hỗ trợ thì rất khó bị các thế lực bên ngoài thống trị.
Người dân Hàn Quốc rơi vào tình cảnh cô lập vô phương bấu víu đã sôi nổi quyên hiến vàng bạc của mình cho quốc gia. Trong tình cảnh toàn bộ nguồn dự trữ ngoại hối đã cạn kiệt thì vàng bạc đã nhanh chóng trở thành phương thức hoàn trả nợ được đông đảo chủ nợ nước ngoài vui vẻ chấp nhận. Điều càng khiến cho các nhà ngân hàng quốc tế kinh ngạc hơn là, tại Hàn Quốc không xuất hiện làn sóng phá sản hàng loạt của các ngân hàng và công ty quy mô lớn theo hình dung của họ. Các công ty phương Tây hầu như không thể thâu tóm được bất cứ doanh nghiệp lớn nào của Hàn Quốc. Mùa xuân năm 1998, ngay khi Hàn Quốc đã vượt qua được gian khó, lợi nhuận xuất khẩu của Hàn Quốc đã tăng nhanh cấp kỳ, chính phủ Hàn Quốc đã nhận ra hết mọi ngón đòn của phố Wall và dứt khoát vứt bỏ ngay những liều thuốc độc của IMF. Việc xin phá sản của các doanh nghiệp lớn đồng loạt được chính phủ đình chỉ. Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định thanh lý các khoản nợ xấu trị giá 70 đến 150 tỉ đô-la từ hệ thống ngân hàng. Ngay khi chính phủ nhận được những khoản nợ xấu này, quyền kiểm soát của ngân hàng lại lọt vào tay chính phủ. Và như vậy, IMF bị đẩy ra khỏi lĩnh vực xây dựng lại hệ thống ngân hàng.
Điều này không những khiến cho các nhà tài phiệt ngân hàng quốc tế và Bộ tài chính Mỹ mừng hụt một phen mà còn khiến cho Hàn Quốc càng nhận thức tỉnh táo hơn về tầm quan trọng tất yếu của chính phủ trong việc lãnh đạo nền kinh tế. Mưu đồ thôn tính công ty phần mềm lớn nhất Hàn Quốc đã tan vỡ, tám công ty phần mềm bản địa của Hàn Quốc cuối cùng đã vận hành suôn sẻ. Kế hoạch thâu tóm công ty ô tô KIA của Ford bị gãy gánh. Hành động tiếp quản hai nhà băng địa phương lớn của ngân hàng nước ngoài đã bị đình chỉ, chính phủ Hàn Quốc tạm thời quản lý hai ngân hàng này.
Dưới sự chủ trì của chính phủ, nền kinh tế Hàn Quốc đã tăng trưởng mạnh mẽ trở lại.
Điều khôi hài là Quỹ tiền tệ quốc tế đã hết lời ca ngợi Hàn Quốc như một trường hợp điển hình được họ hỗ trợ.
Năm 2003, Thái Lan đã hoàn trả số nợ 12 tỉ đô-la trước thời hạn. Sau khi thoát khỏi nanh vuốt của Quỹ tiền tệ quốc tế thủ tướng Thái Lan Thaksin đã tự tin đứng trước quốc kỳ mà thề rằng, nước Thái sẽ “vĩnh viễn không trở lại làm con mồi cho tư bản quốc tế”, quyết sẽ không bao giờ cầu xin sự “viện trợ” của Quỹ tiền tệ quốc tế. Thậm chí chính phủ Thái Lan còn ngầm khuyến khích các công ty Thái từ chối hoàn trả các khoản nợ của các nhà tài phiệt ngân hàng quốc tế và rồi, tháng 9 năm 2006, cuộc đảo chính quân sự đã nổ ra ở Thái Lan, Thaksin bị lật đổ và chịu kiếp lưu vong ở nước ngoài.




8. Ngụ ngôn tương lai Trung Quốc
Công dân Mahathir tìm đến Alan Greenspan báo án, nói đồ trong nhà đã bị trộm và tên kẻ trộm này có thể là Soros. Alan Greenspan cười khà khà và nói: “Cũng không thể chỉ trách kẻ trộm, mà phải tìm nguyên nhân ở chính mình. Ai bảo khóa nhà các anh dễ nạy làm chi?” Công dân Mahathir bất mãn hỏi: “Thế tên trộm kia có đến ăn trộm Trung Quốc và Ấn Độ không?”
Alan Greenspan phán rằng: “Tường nhà Trung Quốc và Ấn Độ cao quá, Soros leo vào leo ra không tiện, nếu chẳng may ngã xuống xảy ra án mạng, há không phải là chuyện của tôi sao?”
Tên trộm Soros đứng bên cạnh sau khi nghe xong thì cười nhạt: “Chỉ cần khoét mấy cái lỗ trên tường của họ thì không phải là vấn đề đã được giải quyết rồi sao?”
Alan Greenspan vội nhìn quanh tứ phía, nói nhỏ rằng:

“Đã phái Paulson đi Trung Quốc rồi, nghe nói cuối năm 2006 thì có thể khoét xong mấy cái hang to đấy”. Tên trộm Soros nghe xong hớn hở vô cùng, móc điện thoại di động ra nhắn tin ngay cho đồng bọn, “Dân ngốc, tiền nhiều, đến Trung Quốc mau”.

0 comments:

Post a Comment